15/05/2024 14:52
Tranh thủ thời gian nghỉ, Nguyễn Thị Phương Châm luôn sáng tạo những vật dụng hữu ích, tạo thêm nguồn thu nhập giúp đỡ trẻ em mồ côi.
Với hình thức tận dụng nguồn rác thải nhựa sinh hoạt phát sinh trong quá trình hoạt động của bệnh viện để tái chế thành những bình hoa, dụng cụ văn phòng phẩm, cây cảnh, tranh treo tường, chậu trồng rau sạch… đồng chí Bùi Thị Phương Châm, nhân viên Phòng Tổ chức - Hành chính Bệnh viện Quân - Dân y tỉnh Trà Vinh đã xây dựng mô hình đạt nhiều kết quả thiết thực, không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp đỡ, động viên nhiều trẻ em nghèo, khuyết tật, người già neo đơn có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Chị Phương Châm cho biết: hưởng ứng cuộc vận động phát triển mô hình học tập và làm theo Bác về công tác “Dân vận khéo” do Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phát động, tôi đảm nhận công tác an toàn vệ sinh lao động của bệnh, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đặc biệt công tác phân loại rác thải, tái chế rác góp phần to lớn vào công cuộc cải thiện môi trường, bên cạnh đó còn giúp tăng giá trị kinh tế của những vật dụng tưởng chừng bỏ đi, như: vỏ trái bắp ngô, chai nhựa, chai thủy tinh, túi ni-lông, vỏ hộp bánh kẹo, vải vụn, tất cả đều có thể tái chế thành những vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình, nên chị đã mạnh dạn đăng ký xây dựng mô hình. Để có thể làm ra các sản phẩm hữu ích, tôi tự tìm hiểu, học hỏi và sáng tạo bất cứ vật dụng gì mình có được, đặc biệt là tái chế các loại rác, phế liệu của bệnh viện nhằm phục vụ công việc công sở, giảm thải rác ra môi trường.
Để có nguồn làm ra sản phẩm trong triển khai thực hiện mô hình, nhân các buổi tổ chức hưởng ứng ngày “Môi trường thế giới”, chị Phương Châm đã kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh cũng như cán bộ, nhân viên bệnh viện cách phân loại rác thải, chia sẻ cách tái chế phế liệu thành những vật dụng hữu ích. Sau đó, trưng bày các sản phẩm tại khu cấp phát thuốc để tuyên truyền về giảm thải rác thải nhựa và bán các sản phẩm. Kết hợp hình thức tổ chức bán hàng trực tiếp thông qua các buổi hội thảo về môi trường, nhân các dịp tham gia hội trại truyền thống Thanh niên, Phụ nữ và đăng bán trên trang facebook, hội, nhóm để quyên góp tiền, tạo nguồn cho Quỹ Hỗ trợ trẻ em mồ côi, khuyết tật nhằm san sẻ yêu thương với các em có hoàn cảnh bất hạnh.
Mô hình được thực hiện từ tháng 01/2021, đến nay, từ nguồn tận dụng rác thải nhựa đã tái chế được hàng trăm sản phẩm. Trong đó, có một số sản phẩm tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh lần thứ 6 do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh tổ chức (đạt giải Khuyến khích). Tham gia cuộc thi Ý tưởng, dự án sáng tạo xanh năm 2021 do Tỉnh Đoàn Trà Vinh tổ chức (đạt giải Khuyến khích). Tham gia cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái năm do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức được tặng giấy khen.
Thực hiện mô hình năm 2021 - 2022, tổng số tiền thu từ việc bán sản phẩm được trên 08 triệu đồng, kết hợp số tiền đạt giải qua các cuộc thi được trích vào quỹ, chị Phương Châm đã phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh, hỗ trợ, tặng quà nhân các dịp lễ, tết Trung thu cho 225 trường hợp người già neo đơn, trẻ em cơ nhở, bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại trung tâm, với mỗi phần quà từ 50.000 - 65.000 đồng...
Mô hình không chỉ gây quỹ giúp đỡ những mãnh đời có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, mà còn đóng góp vào việc nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng bằng các hành động cụ thể, cải thiện môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Bài, ảnh, video: HỮU HIỆP
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.