17/06/2020 05:45
Trong 80 tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2015 - 2020 và 04 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Càng Long, có nhiều mô hình tiêu biểu, điển hình với cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM, xây dựng tổ chức Hội ngày thêm vững mạnh.
Hội LHPN xã Nhị Long Phú: Nhiều mô hình hiệu quả trong học tập và làm theo Bác
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nhị Long Phú cho biết: để tỏ lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội LHPN xã Nhị Long Phú phát động hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã thực hiện mô hình “Vận động gia đình cán bộ, hội viên thờ ảnh Bác nơi trang nghiêm trong gia đình”. Bước đầu, Hội LHPN xã Nhị Long Phú chọn ấp Thạnh Hiệp làm điểm triển khai thực hiện, qua thí điểm mô hình, được đa số chị em đồng tình hưởng ứng, từ đó Hội phát động ra toàn xã. Bằng hình thức, các hội viên phụ nữ đăng ký với chi hội trưởng thông qua các cuộc họp chi, tổ hội, sau đó chi hội trưởng tổ chức làm lễ và trao ảnh Bác cho hội viên trong các cuộc họp tổ, đối với hội viên lớn tuổi hoặc đi làm ăn xa thì Chi hội trưởng mang đến trao tận nhà. Tính đến nay, toàn xã Nhị Long Phú có 1.200/1.200 gia đình hội viên thờ ảnh Bác nơi trang nghiêm trong gia đình.
Cùng với đó, mô hình “Nuôi heo đất nhân đạo” cũng được Hội LHPN xã Nhị Long Phú quan tâm tổ chức thực hiện và nhân rộng với 1.253 thành viên của 06/07 chi hội và 03 điểm trường. Hàng tháng, ngoài việc gửi tiết kiệm giúp chị em phát triển kinh tế, các chị còn tự nguyện bỏ ống heo nhân đạo để giúp chị em trong xã không may bị mắc bệnh hiểm nghèo. Tính đến nay, các chị góp được số tiền trên 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội còn vận động chị, em hội viên toàn xã chưa vào tổ nuôi heo đất nhân đạo, đóng góp, hỗ trợ cho các chị, em không may mắc bệnh hiểm nghèo với số tiền 31 triệu đồng, nâng tổng số tiền đến nay trên 56 triệu đồng giúp cho 14 chị và 01 trẻ em ở 07 ấp trên địa bàn xã.
Song song đó, mô hình “Tiếp bước cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường” cũng được quan tâm thực hiện tốt. Trong 05 năm qua, Hội LHPN xã Nhị Long Phú vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tặng 85 suất học bổng, 100 bộ sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trên địa bàn xã; 1.550 quyển tập với trị giá trên 72,5 triệu đồng, nhận đỡ đầu 16 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đến cuối cấp học.
Hội LHPN xã còn vận động phụ nữ thành lập nhiều tổ, nhóm như: tổ nuôi heo đất tiết kiệm (có 37 tổ), 899 thành viên, trong 04 năm qua gửi tiết kiệm trên 260 triệu đồng, giúp cho 86 chị mượn để mua cây, con giống, phát triển kinh tế hoặc mua bảo hiểm y tế, xây nhà tiêu hợp vệ sinh, mua sắm vật dụng sinh hoạt trong gia đình, dụng cụ học tập cho con em vào đầu năm học mới; duy trì 04 tổ hũ gạo tình thương, tổ tương trợ ở ấp Thạnh Hiệp với 62 thành viên tham gia, góp được 180kg gạo và trên 10 triệu đồng, số tiền và gạo góp được, Hội LHPN xã tổ chức thăm và tặng cho hội viên phụ nữ già yếu, đau bệnh, đơn thân, khó khăn; vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ xây dựng 05 mái ấm tình thương và 242 phần quà cho hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhà ở với số tiền 280 triệu đồng.
Thông qua các mô hình, các phong trào bằng những hành động, việc làm thiết thực, hiệu quả, đã thu hút, tập hợp 1.380 phụ nữ vào tổ chức Hội, chiếm 67,61% so phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, hàng năm có 100% chi hội hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hội LHPN xã Nhị Long Phú 05 năm liền được Hội cấp trên đánh giá đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chi hội Phụ nữ ấp Long An, xã Nhị Long: Hùn vốn mua bảo hiểm y tế (BHYT), góp phần XDNTM
Bà Lê Thị Bảy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Long An, xã Nhị Long cho biết: góp phần thực hiện các tiêu chí XDNTM, Chi hội nhận thấy, trong các tiêu chí, thì tiêu chí 100% thành viên trong gia đình phải tham gia mua BHYT tương đối khó thực hiện, nhiều chị em còn gặp khó khăn khi phải tốn số tiền lớn để mua BHYT cho các thành viên gia đình cùng một lượt, từ đó Chi hội có ý tưởng vận động các chị em hùn vốn để mua BHYT.
Năm 2016, Chi hội thành lập được 02 tổ hùn vốn mua BHYT, có 24 thành viên tham gia, với số tiền hùn 50.000 đồng/thành viên/tháng, mỗi tháng hùn được 1,2 triệu đồng cho 02 chị mượn. Qua 01 năm triển khai thực hiện, giúp cho 24 chị mua BHYT với số tiền 14,4 triệu đồng, từ đó nhiều chị em thấy mô hình thiết thực nên tình nguyện tham gia vào tổ. Năm 2017, Chi hội thành lập thêm 03 tổ, có 36 thành viên tham gia, năm 2018 phát triển thêm 01 tổ, có 12 thành viên tham gia, nâng tổng số đến nay toàn ấp có 06 tổ hùn vốn mua BHYT với 72 thành viên, mỗi chị hùn 60.000 đồng/tháng, mỗi tháng giúp cho 06 chị mượn, trung bình mỗi chị mượn 720.000 đồng/tháng, đến nay đã giúp cho 25 chị mượn với tổng số tiền 108 triệu đồng. Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình này, nên đã góp phần giúp cho hội viên, phụ nữ đạt tiêu chuẩn hộ nông thôn mới, góp phần làm cho ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới vào năm 2018.
Chung tay góp phần XDNTM, Chi hội còn thành lập 02 tổ hùn vốn mua tôn lợp nhà, có 24 thành viên, với hình thức mỗi chị hùn 01 triệu đồng giúp cho 02 chị mượn với số tiền 24 triệu đồng trong thời gian 03 tháng, đến nay đã giúp cho 10 chị mượn với số tiền 208 triệu đồng xây dựng mái nhà khang trang, kiên cố, giúp cho nhiều chị đạt tiêu chuẩn gia đình nông thôn mới. Ngoài ra, chị em phụ nữ trong ấp còn tham gia tổ hùn vốn xoay vòng phát triển kinh tế gia đình, hiện nay có 04 tổ, 103 thành viên, hùn 10,3 triệu đồng/tháng, nâng tổng số tiền đến nay 145,2 triệu đồng, giúp cho 26 chị mượn.
Bà Lê Thị Bảy cho biết thêm: để phát huy tốt hơn nữa vai trò phụ nữ trong XDNTM và xây dựng chi hội vững mạnh, thời gian tới, Chi hội Phụ nữ ấp Long An tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là chăm lo cho phụ nữ nghèo và những chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Chi hội thông qua việc trang bị kiến thức, nâng cao trình độ năng lực, xây dựng các mô hình và các chương trình hoạt động cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, thu hút ngày càng nhiều chị em tự nguyện tham gia và gắn bó với tổ chức Hội.
KIM LOAN (lược ghi)
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.