24/02/2021 05:10
Ông Thạch Sâm Minh chăm sóc đàn bò.
Hội Nông dân Phường 9, thành phố Trà Vinh có 571 hội viên, sinh hoạt tại 08 chi hội, có 04 hộ nghèo. Ông Thạch Đa Ra, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 9 cho biết: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hàng năm, Hội Nông dân phường chủ động xây dựng chương trình hành động sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương gắn với các phong trào lớn của Hội, như: nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân tham gia XDNTM và bảo vệ môi trường; nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể… góp phần khơi dậy tinh thần cần cù, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm trong mỗi hội viên. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân SXKDG.
Năm 2020, thông qua phong trào thi đua nông dân SXKDG, Phường 9 có 766 hội viên đăng ký danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. Qua bình xét, cuối năm có 475 hội viên được công nhận nông dân SXKDG, trong đó, 17 hội viên được đề nghị danh hiệu nông dân SXKDG cấp thành phố và 05 hội viên được đề nghị danh hiệu nông dân SXKDG cấp tỉnh. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, nổi bật là mô hình sản xuất rau an toàn của Chi hội Nông dân Khóm 2 và mô hình nuôi bò sinh sản của Chi hội Nông dân Khóm 9.
Mô hình sản xuất rau an toàn thuộc Chi hội Nông dân Khóm 2 có 27 thành viên, tất cả đều là những hộ có truyền thống trồng rau, khi được vận động thành lập mô hình, các hộ tự nguyện tham gia là thành viên với diện tích sẵn có là 3,15ha. Tham gia mô hình, hội viên được tiếp cận kỹ thuật canh tác trong các khâu gieo trồng, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất, chất lượng rau.
Ông Thạch Đa Ra cho biết: điển hình như ông Thạch Si Đết, ngụ Khóm 2, tham gia mô hình sản xuất rau an toàn với 07ha, hàng ngày, ông giao cho các doanh nghiệp, thương lái trong tỉnh trên 100kg rau các loại, thu nhập bình quân từ 01 -1,5 triệu đồng/ngày.
Đối với mô hình nuôi bò sinh sản, những năm gần đây, phong trào nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo ở các địa phương trong tỉnh phát triển mạnh, có hộ nuôi theo truyền thống gia đình, có hộ được hỗ trợ vốn, con giống, có hộ mua bò về nuôi bởi bò là động vật dễ nuôi, không tốn nhiều kinh phí mua thức ăn…do đó, hội viên nông dân phường có nhiều hộ chăn nuôi bò, đây được xem là mô hình phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững của địa phương. Từ thực tế, năm 2017, Hội Nông dân phường vận động thành lập mô hình nuôi bò sinh sản, tại Khóm 2, có 22 thành viên tham gia. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi bình quân mỗi hộ nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, lợi nhuận thu về từ 25-30 triệu đồng/năm.
Từ hiệu quả thực tế mang lại, năm 2019, các thành viên tham gia mô hình ở Khóm 2 được Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Trà Vinh tạo điều kiện vay vốn để phát triển chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Trung bình, mỗi hội viên được vay từ 10 -25 triệu đồng, sau 03 năm, hội viên sẽ hoàn lại vốn để tiếp tục hỗ trợ cho hội viên khác. Năm 2020, mô hình Nuôi bò sinh sản được nhân rộng ở các Khóm 1, Khóm 5, Khóm 9 với 25 thành viên tham gia, các hộ tiếp tục được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Trà Vinh.
Ông Thạch Sâm Minh, Khóm 9, là thành viên mô hình “Nuôi bò sinh sản” cho biết: gia đình tôi nuôi bò từ lâu, nhưng chỉ nuôi nhỏ lẻ 01-02 con, nhưng giống bò thời xưa giá trị kinh tế không cao; giờ gia đình tôi chuyển đổi con giống, khi có giống bò mới, giá trị kinh tế cao, tôi sẽ chọn nhân giống hoặc mua giống bò tốt để nuôi bò sinh sản. Năm 2019, tôi được Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Trà Vinh tạo điều kiện vay 40 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, tôi đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả, xây dựng lại chuồng cao ráo, thoáng mát hơn. Hiện đàn bò của gia đình tôi có 09 con, trong đó, 04 con sinh sản, 05 con bê. Đối với bê con, sau khoảng 05 tháng nuôi, có thể xuất chuồng được, bình quân bê con giá dao động từ 15 triệu - 20 triệu đồng/con, tùy giống đực, cái.
Được biết, ngoài nuôi bò sinh sản, ông Thạch Sâm Minh còn trồng lúa với 0,9ha và tận dụng nguồn rơm sẵn có để làm thức ăn cho bò. Theo ông Minh, ước tính thu nhập trung bình của gia đình ông từ nuôi bò và trồng lúa khoảng 120 -140 triệu đồng/năm và ông được công nhận là nông dân SXKDG cấp thành phố năm 2019.
Nói về việc học tập và làm theo Bác, ông Thạch Sa Minh chia sẻ: bản thân tôi là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Khóm 9 nên được tham gia học tập các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hàng năm nhưng với bản thân, tôi nghĩ mình phấn đấu, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế, thực hiện mô hình chăn nuôi có hiệu quả, hay là khi thấy hội viên khó khăn, mình hỗ trợ được gì cho họ thì cứ hỗ trợ hết mình, như vậy cũng đã học và làm theo Bác. Tuy là nông dân nhưng tôi thấy học ở Bác không có gì là xa lạ hay quá khó khăn với mình mà chính là làm tốt, làm nhiều hơn những công việc hàng ngày của gia đình, của địa phương và mang lại hiệu quả tích cực là đã học và làm theo Bác Hồ.
Có thể nói, từ những việc làm cụ thể, thiết thực, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của hội viên Hội Nông dân Phường 9 đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên. Từ đó góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua, sản xuất, lan tỏa nhiều mô hình mới, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, xây dựng địa phương phát triển bền vững.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.