11/05/2022 06:53
Ông Ưng Hoàng Duy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Huyền Hội cho biết: Hội Nông dân xã có 2.031 hội viên, sinh hoạt ở 09 chi hội. Đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, hàng năm, Hội Nông dân xã đã tập hợp hội viên, nông dân tham gia gắn với các phong trào lớn của Hội như: đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; phát triển các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp… đặc biệt là thực hiện mô hình “chuyển đổi kinh tế vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững” gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã. Với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được thực hiện và nhân rộng đã giúp nhiều hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững; nhiều hội viên trở thành gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh.
Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, chúng tôi đến gặp nông dân sản xuất giỏi Nguyễn Văn Vũ khi ông đang chăm sóc những luống hành xanh mơn mởn chuẩn bị thu hoạch. Ông Vũ bày tỏ: tôi được 12 công đất do ông bà để lại, vì thấy các cháu có gia đình ra riêng, hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng tôi bàn bạc, quyết định cho mỗi đứa 01 công để xây nhà và trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, tôi còn 09 công đất. Năm 2013 trở về trước, tôi trồng lúa, vì năng suất thấp, giá phân bón, thuốc trừ sâu cao nên tôi chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ hết 09 công. Khi đó, giá thanh long ruột đỏ cao lắm, có lúc lên đến 35.000 - 40.000 đồng/kg. Đến năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giá thanh long ruột đỏ giảm dần, không mang lại hiệu quả như trước. Cuối năm 2020, tôi chuyển đổi cây trồng, cải tạo đất chuyển sang trồng màu các loại từ hành lá, cải bắp, cà chua, ớt sừng…
Ông Nguyễn Văn Vũ chăm sóc cải.
Bà Bùi Thùy Linh, vợ ông Vũ đang lặt những lá hành sâu để chuẩn bị phun thuốc, bà chia sẻ: trồng hành không khó, nhưng phải biết kỹ thuật và cách chăm sóc, nhất là khâu bón phân, phun thuốc trừ sâu, vì hành dễ sâu bệnh, sâu thường nằm trong cuốn lá, phun thuốc không diệt được nên đành phải lặt hết những lá sâu úa vàng. Hành trồng khoảng 40 ngày cho thu hoạch. Theo giá thị trường hiện nay, thương lái đến tận ruộng để cân, có giá 23.000 đồng/kg. Vụ hành vừa rồi, có giá 37.000 đồng/kg, với 05 công đất trồng hành, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng.
04 công đất còn lại, ông Vũ trồng ớt, cà và cải bắp, mang lại hiệu quả khá cao. Hiện nay, các loại rau màu đang chuẩn bị thu hoạch, giá ớt hiện khoảng 22.000 đồng/kg, cải bắp 15.000 đồng/kg. Bình quân, từ 09 công đất trồng màu, sau khi trừ chi phí, ông thu nhập trên 150 triệu/năm. Ông là gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (cấp tỉnh) liên tiếp từ năm 2015 đến nay.
Từ hiệu quả mô hình trồng màu của ông Nguyễn Văn Vũ, nhiều nông dân trong xã đến học hỏi cách trồng, chăm sóc, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh và mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Hiện toàn xã có 16,2ha đất trồng màu lương thực, 191ha trồng màu thực phẩm. Nhờ cần cù, chịu thương, chịu khó, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã thành công với những mô hình chuyển đổi sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao. Nổi bật như mô hình trồng đậu phộng của hộ ông Nguyễn Văn Ai; mô hình phá vườn tre trồng bưởi da xanh của hộ ông Phan Văn Tài ở ấp Giồng Mới; mô hình trồng bưởi năm roi của hộ ông Kim Tư ở ấp Sóc…
Năm 2021, toàn xã có 1.509 hộ đăng ký thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu gắn với học tập và làm theo Bác. Kết quả, có 02 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh; 04 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện; 835 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phong trào, cùng với việc củng cố, xây dựng tổ chức Hội, Hội Nông dân xã Huyền Hội tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất; tạo việc làm, tăng thu nhập. Năm 2021, Hội tạo điều kiện cho 08 hộ dân ấp Giồng Mới tham gia dự án nuôi bò sinh sản với tổng số vốn 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Càng Long; thành lập 09 tổ tiết kiệm vay vốn với 411 hộ, vay 7,8 tỷ đồng để phát triển sản xuất; thành lập 06 tổ hợp tác với 53 thành viên và 81 tổ nghề nghiệp, trong đó có 02 tổ nghề nghiệp kiểu mẫu.
Hội Nông dân xã Huyền Hội còn tích cực vận động hội viên tham gia XDNTM, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”. Năm 2021, tổ chức ra quân 38 cuộc, thu gom khoảng 6,8 tấn rác thải các loại, vớt lục bình các tuyến kênh dài hơn 02km, vận động Nhân dân chăm sóc tuyến đường hoa trên địa bàn các ấp dài 12,6km, xây dựng ấp nông thôn mới kiểu mẫu ở Trà On.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp các phong trào, hoạt động của Hội Nông dân xã Huyền Hội ngày càng hiệu quả, nhất là trong việc tập hợp, đoàn kết hội viên. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.