25/05/2022 07:52
Bà Sơn Thị Dưng.
Một trong những điển hình đó là bà Sơn Thị Dưng, Bí thư Chi bộ ấp Nê Có, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, người dân trong ấp thường gọi bà với tên gọi thân thương, gần gũi cô Hai Dưng -Bí thư Chi bộ hết lòng vì dân.
Hơn 20 năm gắn bó với công việc của ấp, từ cán bộ dân số, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Phó Bí thư Chi bộ và 14 năm là Bí thư Chi bộ ấp Nê Có. Dù ở công việc nào, bà Dưng cũng dành hết tâm huyết và nỗ lực vì sự phát triển của địa phương và đời sống Nhân dân. Bà đã thực hiện hiệu quả công tác vận động người dân cùng với Ban Nhân dân ấp thực hiện nhiều công trình, phần việc trong công tác giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, XDNTM tại địa phương.
Ấp Nê Có hiện có 371 hộ dân, hơn 70% là đồng bào Khmer, từng là ấp đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Trước đây, nhận thức người dân hạn chế, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, số hộ nghèo cao. Năm 2008, ấp có đến 112 hộ nghèo; một số thanh niên thường tụ tập nhậu nhẹt, gây gổ, làm mất an ninh, trật tự… Trước những khó khăn trên, bà Dưng cùng với các tổ chức, đoàn thể ấp, xã đến từng nhà khuyên nhủ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với những hộ nghèo có chí cầu tiến, hỗ trợ vốn để họ có điều kiện chăn nuôi, trồng trọt, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, bà đã góp công không nhỏ trong thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn ấp, giờ đây nhiều hộ nghèo vẫn luôn nhớ đến bà.
Bà Dưng kể: thực hiện Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2013 - 2015, ấp có 42 hộ dân được hưởng lợi. Tôi được giao đi mua đất cho hộ nghèo trên địa bàn ấp. Lúc đó, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 01 nền nhà trị giá 33 triệu đồng. Tôi đi tìm mua đất và suy nghĩ, người dân ở cũng như mình ở, lựa chọn miếng đất có vị trí tương đối thuận lợi, có đường mòn để đi vào nhà, giá 33 triệu theo quy định với khoảng 350 - 500m2. Khi chọn được miếng đất thích hợp nhưng giá cao hơn, tôi lại làm công tác vận động, nói với chủ đất vì hộ nghèo mà giảm giá, rồi họ cũng đồng ý.
Giờ đây, những con đường mòn, ngõ xóm đã được đal hóa, nhựa hóa, nhiều hộ nghèo có nhà ra mặt tiền lộ đal, lộ nhựa, xe chạy đến nhà, giá trị nền nhà hiện lên đến 150 - 200 triệu đồng. Có nhà cửa ổn định, các hộ nghèo chí thú làm ăn, vươn lên khá, giàu. Nhờ sự quan tâm, động viên kịp thời, số hộ nghèo trong ấp giảm liên tục hàng năm, đến nay, ấp còn 25 hộ nghèo theo chuẩn mới. Bà Dưng nói: “Tôi thấy mình giúp được gì cho dân thì giúp, dân vui mình cũng vui theo”.
Bà Thạch Thị The chia sẻ: “trong ấp nói đến cô Hai Dưng thì ai mà không biết, người dân trong phum sóc chúng tôi xem cô Hai Dưng như người nhà vậy. Hồi trước, gia đình tôi là hộ nghèo, con cái đông, không đất đai, nhà cửa ở tạm bợ, vợ chồng đi làm mướn kiếm sống qua ngày. Nhờ cô mua đất, cất nhà đại đoàn kết, làm giấy tờ giúp vợ chồng tôi vay vốn nuôi bò, cố gắng vượt khó vợ chồng tôi mới thoát được cái nghèo. Tôi mừng lắm, tôi nhớ ơn cô Hai Dưng suốt đời. Bây giờ hễ có việc gì thắc mắc liên quan tới vay vốn, giấy tờ là tôi chạy lên hỏi cô Hai Dưng liền cho yên tâm”.
Là Bí thư Chi bộ, bà Dưng dành nhiều thời gian sâu sát tìm hiểu, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để có hướng giải quyết kịp thời hoặc báo cáo lên Đảng ủy, UBND xã xem xét, xử lý. Bà luôn thực hiện tốt phương châm gần dân, trọng dân, hiểu dân, bất cứ việc gì liên quan đến dân đều phải đưa ra bàn bạc và lấy ý kiến trong dân, sau đó mới triển khai thực hiện. Nói về công tác vận động Nhân dân hiến đất làm đường, bà Dưng kể: “hưởng ứng phong trào XDNTM, ấp tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất làm đường giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng ấp văn hóa - nông thôn mới”.
Trong đó, tiêu chí về giao thông là khó thực hiện hơn cả, bởi để thực hiện 01 tuyến đường nông thôn phải cần có nguồn kinh phí đầu tư và mặt bằng thi công. Nếu có vốn đầu tư nhưng không giải phóng mặt bằng được thì khó mà thực hiện. Khi nghe tuyến đường Mười Thục trên địa bàn ấp được trải nhựa, mọi người ai cũng phấn khởi. Trước đây, người dân đi lại tuyến đường này phải chịu cảnh gồ ghề, sình lầy, cỏ, lúa phủ kín mặt đường, bởi tuyến đường bờ ruộng dài gần 1,2km nhưng chỉ rộng 0,8m. Năm 2020, tuyến đường được Nhà nước đầu tư xây dựng mới, chiều dài 1,2km, rộng 03m. Khi nghe thông tin tuyến đường được thi công, mở rộng, Nhân dân vui mừng, đồng tình, mặc dù để tuyến đường được thi công, các hộ dân phải hiến rất nhiều đất, có người phải chặt bỏ hơn 20 cây dừa đang cho trái, có người hiến hơn 1.500m2 đất, bởi tuyến đường cắt ngang đất ruộng đang trồng lúa, trồng dừa.
Bà Kim Thị Sa Mươne, hộ dân hiến đất cho biết: “trong 09 hộ hiến đất để mở rộng tuyến đường, tôi là một trong những người hiến nhiều, gần 1.200m2, bởi tuyến đường dài đi qua 4.000m2 đất trồng lúa và dừa. Khi được cô Hai Dưng cùng xã đến vận động, tôi đồng ý hiến. Tôi suy nghĩ, hiến đất để Nhân dân cùng hưởng lợi, có đường rộng rãi, xe chạy tới nhà. Hơn nữa, nhiều hộ dân cũng được ra sống gần mặt lộ như tôi”.
Đối với những tuyến đường sụt lún, xuống cấp, bà Dưng vận động Nhân dân đóng góp tiền đổ đá dăm 04 tuyến đường, với số tiền 20 triệu đồng. Vận động mắc 01 tuyến đèn đường giáp 02 ấp Phú Lân, Trà Uông, dài 1,2km, với kinh phí 55 triệu đồng. Đến nay, hầu hết các tuyến đường nông thôn của ấp Nê Có đều được bê tông hóa. Trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, bà Dưng luôn quan tâm đến đời sống của người dân trong ấp, ai khó khăn thì vận động cho quà, hỗ trợ gạo người già neo đơn, vận động cất 02 căn nhà cho hộ nghèo. Năm 2020, ấp Nê Có được công nhận ấp văn hóa - nông thôn mới. “Được người dân tin tưởng, tôi nguyện cố gắng hết sức để không phục lòng tin và sự kỳ vọng của mọi người. Chính vì vậy, ở bất kỳ công việc nào, nếu xét thấy có lợi cho dân, có ích cho địa phương là tôi quyết tâm làm cho bằng được dù có khăn khăn đến mấy”. Bà Dưng chia sẻ.
Ông Hồ Tấn Kiệt, Chủ tịch HĐND xã cho biết: đối với ấp Nê Có, bà Sơn Thị Dưng là người tiên phong trong học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, như: quan tâm, tạo điều kiện, động viên Nhân dân đoàn kết thi đua phát triển kinh tế, đời sống ngày càng được cải thiện, tham gia XDNTM, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh, trật tự địa phương. Bà Dưng xứng đáng là cá nhân tiêu biểu trong “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để đảng viên noi theo.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.