16/06/2021 07:33
Ông Thạch Danh (bìa trái) thăm hỏi gia đình ông Kim Kiểng.
Theo sự hướng dẫn của cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Thạch Danh, ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là sự giản dị, gần gũi. Bên tách trà ấm, chúng tôi được nghe ông kể về quảng thời gian ông tham gia kháng chiến. Sau khi đất nước thống nhất, ông về quê lập gia đình, vừa làm ruộng vừa tham gia công tác xã hội tại địa phương (từ Công an viên ấp, Ấp đội đến Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp). 17 năm làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp (1990-2007), vì hoàn cảnh gia đình, ông thôi làm chi hội trưởng, cùng vợ làm ruộng và nuôi 03 người con ăn học, nhưng ông vẫn luôn đồng hành và tích cực tham gia các hoạt động của Chi hội CCB ấp và các phong trào của địa phương. Bản chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đã thấm sâu vào suy nghĩ, việc làm của ông nên khi làm việc gì ông cũng luôn tiên phong, tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Thạch Danh chia sẻ: tôi luôn ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, làm việc gì cũng đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết. Khi làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp, dù công việc có nhiều đến mấy tôi cũng cố gắng hoàn thành mọi việc tốt nhất có thể. Muốn hội viên, Nhân dân tin tưởng, làm theo thì bản thân phải thật sự gương mẫu, đi trước, làm trước và nói được phải làm được”. Ông kể, vào năm 2015, Chi hội CCB ấp có 15 hội viên nhưng còn 01 hội viên nghèo do không đất sản xuất. Nhà tình thương, vách lá xụp xệ mà gia đình không có điều kiện cất lại nhà mới. Ông cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của đồng đội nên tìm cách giúp đỡ. Khi đó, ông nhận thấy họ hàng, con cháu ông có đất ruộng nhưng bỏ trống nhiều năm do làm lúa thất mùa, bỏ ruộng đi làm công nhân. Do đó, ông vận động 03 hộ (01 hộ là con gái của ông, 02 hộ là cháu họ của ông) cho ông Kim Kiểng ngụ cùng ấp mượn đất để trồng lúa, trồng màu, kiếm thêm thu nhập lo cuộc sống hàng ngày, hơn nữa là tạo điều kiện để ông thoát nghèo hiệu quả. Cả 03 hộ gia đình đều đồng ý cho mượn 06 công đất sản xuất.
Ông Kim Kiểng chia sẻ: “khi được ông Danh nói cho mượn đất sản xuất, tôi mừng lắm. Tôi đã nhận 06 công đất đầu tư trồng 01 vụ lúa, 02 vụ màu. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền, tôi được Nhà nước hỗ trợ căn nhà tình thương nhưng cũng đã nhiều năm, vách lá đã mục, tol đã rỉ sét, mưa dột nhiều mà chưa có điều kiện để sửa lại. Hàng ngày, tôi đi làm hồ để có tiền trang trải cuộc sống, tôi có 04 người con, đứa đi làm công ty, đứa có chồng xa, 02 đứa còn nhỏ đi học. Tôi và ông Danh là đồng đội trong kháng chiến, từ trước đến giờ, thấy hoàn cảnh tôi khó khăn ông ấy thường đến nhà thăm hỏi, động viên. Những dịp lễ, tết các con ông Danh đến nhà thăm hỏi, cho gạo, quà. Nhờ có đất trồng hoa màu thêm gia đình tôi có dư, tôi mua 02 con bò sinh sản để nuôi. Năm 2018, tôi vươn lên thoát nghèo, tôi tự nguyện trả lại đất cho họ hàng ông Danh. Tôi vẫn tiếp tục đi làm hồ rồi chắt chiu được số vốn, đến năm 2020, tôi mua vật liệu và tự xây dựng lại căn nhà mới, khang trang hơn. Hiện nay, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn, tôi luôn nghĩ ông Danh chính là ân nhân giúp gia đình tôi thoát nghèo hiệu quả”.
Ông Thạch Danh chia sẻ: “hiện đang cùng Chi hội CCB ấp vận động hội viên thành lập “Câu lạc bộ môi trường CCB” để cùng địa phương tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, các phong trào, hoạt động của Hội CCB các cấp. Bởi tôi được tham quan các mô hình của Hội CCB nhiều xã, các địa phương thành lập được “Câu lạc bộ môi trường CCB” thì phong trào, hoạt động của Chi hội ấp đó nổi bật. Hầu hết các CCB đều chấp hành tốt các phong trào Hội đề ra, nhất là việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quang, thực hiện các tuyến đường hoa - sáng - xanh - sạch - đẹp rất ý nghĩa. Có được “Câu lạc bộ môi trường CCB” thì việc vận động các hộ dân tham gia bảo vệ môi trường, trồng hoa ven đường, phát quang bụi rậm sẽ dễ dàng hơn”.
Ông Thạch Châu An, Bí thư Chi bộ ấp Trà Tro Trên cho biết: ấp được công nhận ấp văn hóa - NTM vào năm 2019, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiêu chí cần nâng chất và giữ vững, như: nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm. Toàn ấp hiện có 291 hộ dân, có 98% đồng bào Khmer, ấp còn 10 hộ nghèo, chiếm 3,4%. Việc thành lập “Câu lạc bộ môi trường CCB”, Hội CCB xã và cấp ủy chi bộ, Chi hội CCB ấp đã họp bàn xét, dự kiến thành lập vào cuối năm nay. Ông Thạch Danh là người có uy tín tiêu biểu của xã nhiều năm liền, là cá nhân điển hình trong phong trào XDNTM, chăm lo người nghèo nhất là xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.