13/09/2023 07:52
Chị Nguyễn Thị Mỹ Kim.
Cùng cán bộ phụ nữ xã, chúng tôi đến gặp gỡ chị Nguyễn Thị Mỹ Kim, 28 tuổi, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Hạ với mô hình làm bánh ngọt (bánh kem, bánh bông lan lá dứa), giúp chị phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Năm 2016, Mỹ Kim tốt nghiệp cao đẳng ngành Quản trị văn phòng nhưng chị không theo nghề đã học. Sau nhiều năm “thử sức” với nhiều công việc khác nhau, năm 2018, chị quyết định ở nhà theo đuổi niềm đam mê làm bánh của mình.
Chị Kim kể: sau khoảng thời gian đi làm, tranh thủ lúc rảnh tôi học thêm nghề làm bánh ngọt từ người quen, đặc biệt là bánh kem, bánh bông lan. Khi biết được công thức cũng như các bước làm bánh cơ bản, tôi lên mạng xã hội, tham gia các nhóm để tự học hỏi, tự phát triển khả năng làm bánh và rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại.
Ban đầu, Mỹ Kim làm những chiếc bông lan nhỏ tặng bạn bè, người thân. Từ những phản hồi tích cực và được sự động viên từ gia đình, chị quyết định mở tiệm bánh tại nhà với tên gọi bánh bông lan lá dứa Mỹ Kim. Nhờ sự tạo điều kiện của Hội LHPN xã, chị Kim mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Càng Long để đầu tư máy đánh bột, đánh trứng, lò nướng, máy xay lá dứa, khuôn bánh, tủ bảo quản, nguyên liệu... Đồng thời, với mong muốn mang dấu ấn và hương vị riêng cho bánh, nghĩ là làm, chị tự pha lá dứa với công thức riêng mang đặc trưng của bánh bông lan lá dứa Mỹ Kim.
Để tiện cho khách hàng lựa chọn, chị làm nhiều cỡ bánh. Bánh bông lan khách hàng ưa chuộng nhất là cỡ 50.000 đồng/ổ bánh; bánh kem cỡ 200.000 đồng/ổ bánh.
Theo chị Mỹ Kim, trung bình 01 tháng, chị nhận đơn đặt hàng và vừa bán tại nhà khoảng 200 ổ bánh bông lan lá dứa các cỡ; bánh kem có khoảng từ 10-15 ổ bánh. Hiện nay, chị Kim đang hoàn thành các thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP.
Theo chị Mai Thị Mộng Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Phước, tuy chỉ với một chiếc bánh ngọt tưởng chừng như đơn giản, nhưng nhờ chịu khó học hỏi, cập nhật các mẫu bánh mới, đã giúp chị Mỹ Kim bước đầu thành công trên con đường khởi nghiệp. Đây là một trong những hội viên điển hình trong việc học tập và làm theo Bác với tinh thần tự học, tự vươn lên, dám nghĩ, dám làm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ trên địa bàn, giúp hội viên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi những mô hình phù hợp với điều kiện gia đình để vận dụng thực hiện.
Để lan tỏa và có nhiều mô hình hay, việc làm tốt theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội LHPN xã đã tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các mô hình thiết thực như: tiết kiệm điện, nuôi heo đất, hùn vốn mua bảo hiểm xã hội tự nguyện; các mô hình kinh tế như đan đát, chăn nuôi, mua bán nhỏ, tổ hùn vốn xoay vòng...
Toàn xã hiện có 09 tổ hùn vốn xoay vòng với 183 thành viên với nguồn vốn hơn 1,2 tỷ đồng, cho 121 chị mượn. Thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, năm 2022, Hội LHPN xã có 05 chị vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền 310 triệu đồng. Nhờ vào nguồn vốn, nhiều chị vươn lên khá giả, chăm lo cuộc sống gia đình, nuôi con đến trường.
Chị Dương Ngọc Lam, ấp Thượng vay 50 triệu đồng để cải tạo vườn dừa, chị Lam chia sẻ: tôi luôn học đức tính cần cù của Bác, tích cực lao động sản xuất, nhất là khi có nguồn vốn vay, tôi cải tạo vườn tạp, trồng dừa, chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Với phương châm “học Bác từ những điều giản dị nhất”, Hội LHPN xã Đại Phước tiếp tục thực hiện chương trình nghìn phần quà san sẻ yêu thương, trao 06 suất học bổng cho con hội viên nghèo, đỡ đầu 02 em mồ côi. Phối hợp vận động xây dựng 01 căn nhà “Mái ấm tình thương” cho hội viên Dương Thị Phượng, ngụ ấp Trà Gút là hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở. Chị Dương Thị Phượng bày tỏ: được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội LHPN xã, tôi rất xúc động. Có được căn nhà mới, tôi phấn đấu làm ăn, mong muốn cuộc sống được khá hơn.
Cùng với phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội LHPN xã tiếp tục triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” gắn với xây dựng xã NTM nâng cao, qua các hoạt động thu gom, xử lý rác thải, phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, ngày Chủ nhật xanh, vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, đổ rác đúng nơi quy định... Vận động hội viên đăng ký gia đình “5 không 3 sạch”, năm 2022, toàn xã có 1.433/1.531 hộ đạt gia đình “5 không 3 sạch”, 1.458 hộ đạt gia đình NTM.
Song song đó, mô hình học và làm theo Bác còn được duy trì và nhân rộng với 29 tổ, câu lạc bộ “Làm theo Bác” có 596 thành viên, đặc biệt đến nay đã phát động 854/1.531 hộ gia đình hội viên thờ ảnh Bác Hồ nơi trang nghiêm trong gia đình, chiếm 55% số hội viên.
Chị Mai Thị Mộng Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Phước cho biết thêm: thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực học tập và làm theo Bác với những việc làm cụ thể, thiết thực, có sức lan tỏa rộng rãi. Qua đó, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ từng bước thay đổi suy nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Có thể nói, từ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ hội viên phụ nữ xã Đại Phước, đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho chị em hội viên và Nhân dân. Đây cũng là cơ sở vững chắc để Hội LHPN xã tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 01 ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.