05/10/2022 07:27
Bà Đinh Thế Lượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Hòa (bìa phải) trao đổi với bà Sơn Thị Nhiên về mô hình học và làm theo gương Bác của Chi hội Phụ nữ ấp Kim Câu.
Kim Hòa là xã có đông đồng bào Khmer (chiếm 70%), hội viên Hội LHPN 1.124/2.077 phụ nữ 18 tuổi trở lên, chiếm 54,11%, đời sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp.
Năm 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Kim Hòa cụ thể các kế hoạch, hướng dẫn của Hội LHPN các cấp triển khai trong cán bộ, hội viên về học tập và làm theo gương Bác gắn với phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Trà Vinh năng động, sáng tạo, xây dựng gia đình “có sức khỏe, có đạo đức, có kiến thức, có trách nhiệm với gia đình và xã hội” góp phần “xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam”.
Nhiều mô hình như nuôi heo đất, tổ góp vốn xoay vòng mua bảo hiểm y tế (BHYT), tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, nhà mái ấm tình thương…phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên.
Bà Đinh Thế Lượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Hòa cho biết: thông qua các mô hình, hội viên có thêm nguồn vốn để làm kinh tế, cải thiện thu nhập cho gia đình hoặc trang trải những lúc khó khăn. Hiện trên địa bàn xã duy trì 07 mô hình rào xanh, ngõ sáng, thắp sáng đường quê, tuyến đường ngõ sạch, tuyến đường chi hội 5 không 3 sạch; 01 tổ phụ nữ nuôi bò sinh sản.
Để nâng cao tỷ lệ người dân trong xã tham gia BHYT, cùng với công tác tuyên truyền, Hội vận động chị em thực hiện mô hình tổ tiết kiệm nuôi heo đất mua bảo hiểm xã hội, hùn vốn giúp nhau mua BHYT, tiết kiệm nuôi heo đất hỗ trợ hội viên nghèo neo đơn và học sinh nghèo hiếu học…
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Kim Câu, bà Sơn Thị Nhiên chia sẻ: toàn ấp có 267 hội viên, năm 2022, Chi hội thành lập tổ tiết kiệm nuôi heo đất mua BHYT với 12 thành viên, mỗi chị đóng từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Dần dần, các chị nâng lên từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng, số tiền mượn được các chị mua BHYT cho bản thân, có chị thêm tiền mua cho cả gia đình. Hiện tổ có 08 người nhận thẻ BHYT, trong đó, 04 chị thêm tiền vào mua BHYT cho chồng, con.
Được biết, bà LâmThị Dung, 51 tuổi, bà có 01 người con trai đi làm ăn xa, hàng ngày bà ở nhà giữ cháu nội, sức khỏe bà Dung nay ốm mai đau mà bà không có thẻ BHYT, nên khi được tuyên truyền, vận động tham gia tổ để tiết kiệm mua BHYT, bà Dung đồng ý ngay, từ ngày mua đến nay hơn 05 tháng, bà Dung đã 02 lần đến trung tâm y tế huyện khám, nhận thuốc.
Theo bà Sơn Thị Nhiên, trước kia vận động hội viên tham gia mua BHYT rất khó khăn, mỗi thẻ BHYT là 804.000 đồng/người/năm, nếu người thứ hai, thứ ba trong hộ gia đình cùng mua, sẽ được giảm tiền, nhưng nhiều hộ rất “ngán” vì không có tiền. Sau khi được Hội LHPN huyện, xã tuyên truyền, nhiều hội viên mới nhận thức được việc bảo vệ sức khỏe từ thẻ BHYT, đồng ý tham gia tổ tiết kiệm mua BHYT, chỉ cần tiết kiệm từ 02-03 tháng sẽ mua được BHYT.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, dần dần các chị nhận thấy tham gia BYHT là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân, giảm chi phí, gánh nặng cho gia đình nên các chị đồng tình tham gia. Hiện nay, toàn xã thành lập được 05 tổ tiết kiệm nuôi heo đất mua BHYT với 53 thành viên, số tiền hùn vốn 50,3 triệu đồng, các chị mua BHYT cho bản thân và gia đình, hiện 100% hội viên toàn xã tham gia BHYT, góp phần tăng độ bao phủ BHYT toàn xã đạt 94,5%.
Theo bà Đinh Thế Lượng, Hội LHPN xã luôn chú trọng tuyên truyền về vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, những lời dạy, tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho phụ nữ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người lan tỏa ngày càng sâu, rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ. Qua đó, các chị em đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong năm, Hội LHPN xã phối hợp với Hội Phụ nữ Công an huyện đóng góp nguồn lực hàng tháng vào chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho trẻ mồ coi do đại dịch Covid-19, nhận đỡ đầu 01 em ấp Trà Cuôn hỗ trợ gồm tiền, quà, xe đạp, bàn học... tổng số tiền 4,4 triệu đồng; vận động mạnh thường hỗ trợ thêm cho 02 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 tổng số tiền 04 triệu đồng.
Hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở luôn được Hội quan tâm, năm 2022, Hội LHPN xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 05 căn nhà mái ấm tình thương, tổng số tiền 350 triệu đồng.
Bà Lê Thị Chờ, ngụ ấp Kim Câu là hộ nghèo nhiều năm liền do không đất sản xuất, nhà ở không đảm bảo 03 cứng. Hội LHPN xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ 50 triệu đồng cất căn nhà mái ấm tình thương. Đồng thời, bà Chờ được người dân cho mượn 1,5 công đất trồng lúa, trồng màu, gia đình bà Lê Thị Chờ phấu đấu thoát nghèo trong năm 2022.
Song song đó, Hội duy trì 01 tổ đan lục bình có 12 thành viên tại ấp Kim Hòa, có việc làm tại chỗ ổn định, thu nhập bình quân 02 triệu đồng/tháng/chị; 01 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp ấp Kim Hòa có 20 thành viên kết nối tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận nguồn lực, tổng số vốn huy động hùn vốn cổ phần 73 triệu đồng. Duy trì 02 tổ hội viên phát triển kinh tế gia đình có 15 chị tham gia gồm 01 tổ phụ nữ gói bánh tét ấp Trà Cuôn có 05 chị tham gia, giải quyết cho 05 lao động nữ/năm có việc làm ổn định, 01 tổ phụ nữ nuôi bò sinh sản. Phát động hội viên tham gia thực hành tiết kiệm bằng nhiều hình thức, như hùn vốn, tiết kiệm tín dụng quỹ hỗ trợ phụ nữ có 868 chị tham gia tổng số tiền tiết kiệm trên 1,4 ỷ đồng...
Bà Đinh Thế Lượng nói: hiện nay, xã có 145 hội viên phụ nữ nghèo và phụ nữ chủ hộ nghèo, nhằm góp phần giúp các hội viên là hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, Hội LHPN xã tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình hiệu quả; huy động nhiều nguồn lực chăm lo đời sống hộ nghèo. Ngoài ra, Hội LHPN còn phối hợp các cấp, các ngành hỗ trợ vay vốn, học nghề nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo có việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.