05/01/2022 08:32
Bà Kim Thị Dui (bìa trái) tặng quà cho hội viên phụ nữ nghèo. Ảnh: Hội LHPN Phường 7
.
Phường 7 có 4.524 hộ dân, đồng bào Khmer chiếm 18%, toàn phường có 2.453 hội viên phụ nữ sinh hoạt tại 13 chi hội. Phần đông chị em sống bằng nghề mua bán nhỏ, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Một số hộ nghèo do thiếu vốn, không đất sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Để Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05), được triển khai sâu rộng, Ban Thường vụ Hội LHPN Phường 7 đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của chi hội, các câu lạc bộ gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của Hội.
Cán bộ hội hướng dẫn hội viên thực hiện 04 phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; 08 tiêu chí xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”, bảo vệ môi trường, tích cực sản xuất, chăn nuôi, mở rộng kinh doanh, dịch vụ, giải quyết lao động tại địa phương, phát triển kinh tế ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần XDNTM, đô thị văn minh.
Bà Kim Thị Dui, Chủ tịch Hội LHPN Phường 7 cho biết: điểm mới trong học và làm theo gương Bác là phát huy tính tiên phong, gương mẫu “nói đi đôi với làm” của cán bộ Hội, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, xây dựng lối sống tích cực, nhiệt tình. Từ đó, tạo chuyển biến rõ nét về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên trong học tập, lao động và công tác Hội.
Nổi bật là Hội duy trì vận động thành lập nhiều mô hình phát triển kinh tế như: duy trì tổ tiết kiệm tín dụng, tổ phụ nữ nuôi heo đất, tổ phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế (BHYT). Năm 2021, Hội đăng ký mới mô hình “tổ tiết kiệm chi tiêu mua bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện”, tuy mới thành lập nhưng mô hình thu hút được nhiều chị em phụ nữ tham gia.
Theo bà Kim Thị Dui, xuất phát từ thực tế, nhiều hội viên quan tâm đến việc tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Từ đó, Hội triển khai mô hình “Tổ tiết tiết kiệm chi tiêu mua BHXH tự nguyện” nhằm giúp hội viên nhận thức rõ hơn về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, về chức năng của Hội trong chăm lo quyền lợi hội viên. Đối với hội viên khi tham gia BHXH tự nguyện, đến lúc hết tuổi lao động và đóng đủ 20 năm theo quy định, mọi người sẽ được hưởng lương hưu. Đồng thời, còn được cấp thẻ BHYT, khi đau ốm, chữa trị được Quỹ BHYT thanh toán đến 95%. Tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện vừa mang lại lợi ích thiết thực vừa tạo điều kiện để chị em gắn bó, chia sẻ khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu về BHXH tự nguyện.
Mô hình “Tổ tiết tiết kiệm chi tiêu mua BHXH tự nguyện”, được thực hiện đầu tiên tại Chi hội Khóm 4, với 10 thành viên. Hàng tháng, Hội phối hợp UBND phường, chi bộ khóm tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, quần chúng Nhân dân vì đây là chỉ tiêu vận động hộ dân tham gia BHXH tự nguyện phường phải thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thôi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 4, chia sẻ: khi hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, tôi đã tiên phong mua BHXH tự nguyện với mức giá 750.000 đồng/tháng. Xem như mình dành dụm, sau này lớn tuổi không làm ra tiền, mình cũng nhận được 01 khoản tiền hàng tháng để xoay sở. Hiện nay, mô hình nhân rộng được 08 tổ ở 08 chi hội với 151 thành viên, giúp 151 chị mua BHXH tự nguyện với số tiền hơn 227 triệu đồng.
Mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua BHYT” hiện duy trì được 03 tổ tại các Khóm 2, Khóm 4, Khóm 7 với 66 thành viên, mỗi ngày các thành viên góp từ 5.000 đồng/người, bình quân từ 150.000 - 300.000 đồng/người/tháng. Mỗi tháng, có 10 chị mượn mua BHYT. Qua thực hiện, đến nay có 128 chị mua BHYT với số tiền gần 170 triệu đồng. Cùng với đó, Hội duy trì thực hiện mô hình “Nuôi heo đất khuyến học”, có 141 thành viên tham gia, các chị em tiết kiệm bằng cách bỏ tiền vào heo đất trước khi đi chợ từ 2.000 - 5.000 đồng, hàng năm tiết kiệm trên 70 triệu đồng, chị em sử dụng số tiền để mua sắm đồ dùng học tập, đóng học phí cho con em mình.
Xác định việc giúp nhau phát triển kinh tế là công tác trọng tâm, góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu xóa nghèo bền vững, theo đó, Hội đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững”… Năm 2021, Hội tiếp tục duy trì mô hình “Tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ neo đơn, khó khăn” với 15 thành viên tham gia, hàng tháng đóng góp 20.000 đồng/thành viên, đến nay đã giúp 06 chị với số tiền 03 triệu đồng. Tiếp tục vận động hội viên tiết kiệm tại các chi, tổ, hội bằng nhiều hình thức, hiện có 1.512 hội viên tham gia các loại hình tiết kiệm như tiết kiệm gửi Ngân hàng Chính sách xã hội, tiết kiệm tín dụng, góp vốn xoay vòng, nuôi heo đất…với số tiền trên 1,8 tỷ đồng.
Trong năm, Hội đã giúp 06/06 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ bằng hình thức hỗ trợ gạo hàng tháng cho 04 hộ, vận động xây dựng 01 căn nhà mái ấm tình thương, hỗ trợ 01 hộ vay vốn ngân hàng để mua bán nhỏ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống... Song song đó, nhằm tạo điều kiện cho chị em có việc làm thường xuyên, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, Hội thành lập mô hình sinh kế gồm 01 tổ trồng lài có 20 thành viên, 01 tổ giúp việc nhà với 15 thành viên.
Ngoài ra, tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân tham gia XDNTM, đô thị văn minh”, các chi hội vận động chị em chăm sóc các tuyến đường hoa; duy trì 02 câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi ni-lon và sản phẩm nhựa dùng một lần; 01 tổ phụ nữ phân loại rác thải tại nhà; 01 tổ tự quản vệ sinh môi trường trên địa bàn phường. Từ hiệu quả duy trì và lan tỏa các mô hình học tập và làm theo Bác, Hội LHPN Phường 7 đã biểu dương các chị Nguyễn Thị Hồng Thôi, Phùng Thị Nghiêm, (Khóm 4) thực hiện tiết kiệm chi tiêu hàng ngày mua BHXH tự nguyện; chị Nguyễn Thị Vốn (Khóm 7) với mô hình tiết kiệm nuôi heo đất; chị Thạch Thị Huỳnh (Khóm 9) làm kinh tế giỏi…
Với những việc làm cụ thể, thiết thực từ việc học tập và làm theo Bác của cán bộ, hội viên Hội LHPN Phường 7 đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần vào công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của phường, qua đó khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới.
SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.