30/06/2020 06:27
Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mạnh mẽ từ cán bộ, đảng viên đến tầng lớp Nhân dân. Việc học tập và làm theo Bác không ở đâu xa, mà ngay từ những việc làm nhỏ, miễn sao mang lại ý nghĩa cho người dân, cho xã hội. Từ ý nghĩa đó, năm 2012, mô hình “Câu lạc bộ tình thương” của Hội Người cao tuổi (NCT) Phường 5, thành phố Trà Vinh được thành lập và duy trì đến nay, mô hình trở thành điểm tựa tin cậy đối với NCT có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, neo đơn trên địa bàn.
Ông Đặng Đắc Xong, Chủ tịch Hội NCT Phường 5 cho biết: “Câu lạc bộ tình thương” ra đời và hoạt động từ năm 2012 đến nay, hiện tôi là người quán xuyến mọi việc của câu lạc bộ. Lúc mới thành lập có 07 thành viên, đa số đều xuất thân trong gia đình lao động, không giàu có nhưng tất cả đều có chung một ý chí, một tâm tư nguyện vọng là sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình, nên những thành viên trong câu lạc bộ luôn tham gia bằng cả tấm lòng và cái tâm sẵn có. Không quy định số tiền nhiều hay ít, hàng tháng thành viên câu lạc bộ vận động, số tiền đóng góp từ 20.000 - 100.000 đồng; từ số tiền vận động được mua gạo trao cho NCT có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, neo đơn trên địa bàn.
Ban đầu khi mới đi vào hoạt động rất nhiều khó khăn, nhất là công tác vận động. Bình quân mỗi tháng các thành viên chỉ vận động, đóng góp số tiền mua được từ 80-100kg gạo, giúp đỡ cho khoảng 20 hộ NCT (mỗi hộ 05kg). Tuy nhiên với sự nỗ lực và cố gắng của từng thành viên, dần dần mô hình đi vào nề nếp, được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài phường đến ủng hộ. Tùy vào tấm lòng, thường thì mọi người đóng góp từ 20.000 -100.000 đồng/tháng, hàng tháng có khoảng 23 người tham gia đóng góp. Vào ngày 25 mỗi tháng, tại UBND Phường, chúng tôi hỗ trợ gạo cho NCT, bình quân từ 23-25 NCT nghèo, neo đơn trên địa bàn được nhận gạo (mỗi phần 08kg). Tính trong 08 năm qua, đã hỗ trợ trên 2.400 lượt NCT, với 19,2 tấn gạo, số tiền gần 200 triệu đồng (tùy vào giá gạo), tuy nhiên, chúng tôi thường chọn loại gạo ngon trao cho các cụ. Bên cạnh đó, hàng năm, chúng tôi vận động thêm các nhu yếu phẩm như mì, nước tương,… hỗ trợ thêm cho các cụ.
Từ việc làm nhỏ này, góp thành ý nghĩa lớn và ngày càng lan tỏa, ngày càng có nhiều mạnh thường quân đóng góp. Khi được hỏi cơ duyên vì sao Hội NCT thành lập mô hình, ông Đặng Đắc Xong chia sẻ thêm: hiện nay tuy mức sống của người dân được nâng cao hơn trước, nhưng vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn rất cần sự giúp đỡ. Do vậy, chúng tôi thành lập mô hình “Câu lạc bộ tình thương” chỉ mong mọi người san sẻ tình thương, giúp một phần nào đó trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày của họ.
Hiệu quả từ mô hình “Câu lạc bộ tình thương” đã tạo điều kiện gắn kết tinh thần “tương thân tương ái”, thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng và xã hội. Đến thăm vài hộ NCT nghèo của phường nhận được sự giúp đỡ từ mô hình mới thấy hết nghĩa tình trong từng ký gạo. Hoàn cảnh của cụ Đoàn Thị Tòng, ngụ Khóm 1, thuộc diện NCT neo đơn, không nơi nương tựa. Được biết, năm nay cụ đã bước qua tuổi 80, trước kia cụ có nhà cửa đàng hoàng, có 01 người con nuôi ở huyện Duyên Hải, vì làm ăn thua lỗ nên đã xin tiền để trả nợ, buộc lòng cụ phải bán căn nhà đang ở. Và cũng từ đó cụ không nơi nương tựa, nay ở tạm nhà người này, mai nhà người khác quanh khóm. Hàng ngày, cụ đi bán vé số, thu nhập khoảng 70.000-80.000 đồng. Mỗi tháng, Hội NCT phường hỗ trợ cụ 08kg gạo, cụ nhờ nhà người hàng xóm nấu cơm và cụ tự trang trải tiền mua đồ ăn.
Đối với hộ cụ Dương Thị Bảy, ngụ Khóm 1, hoàn cảnh thật thương tâm, cụ có người con gái bệnh tâm thần năm nay khoảng 50 tuổi và đứa cháu gái (con của người mẹ tâm thần) hiện là sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Trà Vinh.
Ông Đặng Đắc Xong thăm hỏi gia đình cụ Dương Thị Bảy.
Cụ Dương Thị Bảy bùi ngùi chia sẻ: tôi có 01 người con nhưng không được minh mẫn, cuộc sống éo le lắm, “nó” có thai, rồi sinh con ra tôi nuôi. Cháu gái tôi ngoan lắm và học rất giỏi. Nhờ cô, chú UBND Phường động viên, vận động mạnh thường quân hỗ trợ nên cháu mới học lên tới đại học. Hàng ngày, ngoài giờ học, cháu đi phụ tiệm photocopy, 01 giờ được 15.000 đồng, phụ giúp bà và mẹ trang trải cuộc sống. Con gái tôi thì lúc nhớ, lúc quên đi bán vé số có khi mất vé số phải bù lỗ. Hàng tháng, tôi được nhận 08kg gạo, “đối với tôi số gạo đó quý giá hơn gì hết, bởi vì đây là những tấm lòng, là nguồn động lực giúp cả nhà tôi cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.
Chị Nguyễn Thị Vinh, bán tạp hóa, ngụ Khóm 2 chia sẻ: “từ khi câu lạc bộ tình thương thành lập đến nay, lúc đầu tôi tham gia đóng góp 20.000 đồng/tháng. Đến năm 2019, tôi đóng góp 50.000 đồng/tháng, năm 2020, tôi đóng 100.000 đồng/tháng. Tôi nghĩ, mỗi người đóng góp một ít cũng đã giúp được phần nào cho các cụ có hoàn cảnh khó khăn”.
Bà Nguyễn Kim Ngôn, Phó Bí thư Đảng ủy Phường 5 cho biết: thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là khi mô hình “Câu lạc bộ tình thương” được thành lập đã góp phần cùng với UBND Phường thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc chăm lo, hỗ trợ cho NCT nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần trao tặng gạo và quà cho các cụ, thấy được nụ cười, niềm vui của họ, chúng tôi như có thêm động lực phấn đấu, cố gắng thực hiện mô hình tốt hơn nữa để có thể giúp được nhiều người hơn.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.