16/06/2021 07:38
Trung tá Nguyễn Văn Lâm. |
Với lối sống gần gũi, Trung tá Nguyễn Văn Lâm luôn nhiệt tình, sẵn sàng tham gia hiến máu cứu người. Theo anh, đây là việc làm xuất phát từ suy nghĩ giúp đỡ những bệnh nhân cần máu để duy trì sự sống, đem lại niềm tin, hy vọng cho người bệnh và người thân của họ.
Anh chia sẻ: bản thân từng chứng kiến nhiều bệnh nhân, nhất là các em nhỏ, ngay khi sinh đã mắc bệnh về máu, khiến bệnh nhân thường xuyên phải truyền, lọc máu mới có thể duy trì sự sống; hay mỗi lần đến với những mảnh đời bất hạnh, chứng kiến cảnh bố mẹ nhìn các cháu ra đi vì bệnh hiểm nghèo nên anh thấu hiểu tầm quan trọng của việc hiến máu để chữa trị cho người bệnh cần máu. Với anh, mỗi lần được hiến máu là anh cảm thấy rất vui.
Kỷ niệm anh nhớ nhất là lần đầu tiên anh tình nguyện hiến máu là vào tháng 8/1998 tại Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó anh là chiến sĩ nghĩa vụ tại Cơ sở giáo dục Bến Giá (Cục V26, Bộ Công an, đóng tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, sau này là Trại giam Bến Giá) và được cử đi học lớp Trung cấp Thanh vận ở Học viện Thanh thiếu niên miền Nam. Anh cùng một số bạn học đến nhà sách Nguyễn Thị Minh Khai (ở Thành phố Hồ Chí Minh) và đi ngang bệnh viện Truyền máu huyết học thì tình cờ anh nhìn thấy người nhà của một em bé bị bệnh ung thư máu đang ngồi khóc. Qua tìm hiểu được biết gia đình khó khăn, người cha phải từ dưới quê lên thành phố làm thuê để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Vì là bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị rất lớn, gia đình không có tiền để truyền máu cho con vì đã nhiều tháng điều trị bệnh. Thấy vậy, anh liền chủ động hiến máu để giúp đỡ, cũng may là máu của anh phù hợp để cho.
Sau khi hoàn thành khóa học, anh trở về đơn vị công tác và là Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ sở giáo dục Bến Giá, khi đó có giao lưu kết nghĩa với Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh. Vào năm 2004, anh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh để thăm một người bạn, thấy đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đang tình nguyện hiến máu để cấp cứu bệnh nhân. Chính việc làm đầy nhân văn và ý nghĩa của các y, bác sĩ đã khiến anh suy nghĩ và đã đề xuất với Ban Giám đốc của Cơ sở giáo dục Bến Giá thành lập câu lạc bộ hiến máu tình nguyện. Được sự chấp thuận của Ban Giám đốc, lúc đầu anh đã vận động ĐVTN tham gia hiến máu, từ từ mọi người thấy được ý nghĩa của việc hiến máu nên đã thu hút nhiều người trong đơn vị tham gia, ngay cả Ban Giám đốc cũng đều vui vẻ, tình nguyện tham gia. Sau đó, thấy ý nghĩa của việc làm này nên lãnh đạo đơn vị đã có văn bản chỉ đạo tất cả cán bộ, chiến sĩ, nhân viên tham gia hiến máu. Cứ thế, định kỳ hằng năm, Cơ sở Giáo dục Bến Giá đều tổ chức hiến máu từ 02 - 03 lần, thậm chí có năm Trung tá Nguyễn Văn Lâm hiến máu 04 lần.
Anh tâm sự: để việc hiến máu tình nguyện lan tỏa đến nhiều người tại địa phương anh công tác, ngoài bản thân anh hăng hái tham gia, anh còn vận động thêm gia đình và bạn bè cùng hiến máu. Để nhiều người cùng tham gia, với những lời lẽ thuyết phục là sau khi hiến máu, người hiến có thể biết được tình trạng sức khỏe của mình vì đã được các y, bác sĩ sàng lọc bệnh, nếu phát hiện sẽ thông báo để họ điều trị kịp thời mà không phải tốn chi phí kiểm tra sức khỏe và mỗi lần cho máu sẽ có người bệnh được cứu sống.
Năm 2014, sau khi chuyển đổi chức năng, Cơ sở Giáo dục Bến Giá được Bộ Công an quyết định đổi thành Trại giam Bến Giá (Tổng cục VIII), Trung tá Nguyễn Văn Lâm không còn hoạt động công tác Đoàn nhưng anh vẫn luôn là người tiên phong đối với phong trào vận động hiến máu tình nguyện của cơ quan.
Tháng 9/2015, anh được điều động và chuyển qua nhiều đơn vị công tác. Dù ở cương vị công tác nào hay ở bất cứ nơi đâu, với anh việc hiến máu tình nguyện là một hành động cao đẹp, xuất phát từ tình cảm, suy nghĩ và mong muốn giúp cho người khác Lâm cho biết, hiến máu không chỉ là việc giúp đỡ người khác mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, với anh việc trao tặng những giọt máu của mình cho các bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch là đã làm được điều có ích cho xã hội. Các năm trước, với số lần hiến máu tăng lên, khoảng 03 - 04 lần/năm, anh vẫn không cảm thấy sức khỏe của mình có thay đổi bất thường nào. Anh kể, trong lần ra Hà Nội vào tháng 6/2012 để dự lễ tôn vinh những người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức, anh đã hiến gần 500ml máu, nhưng sức khỏe vẫn bình thường.
Với những kết quả đạt được, Trung tá Nguyễn Văn Lâm đã được UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế tặng 08 bằng khen có thành tích trong phong trào hiến máu nhân đạo. Đặc biệt, hơn 20 năm công tác, Trung tá Nguyễn Văn Lâm có 12 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 02 lần được Bộ Công an tặng bằng khen về thành tích học tập và công tác.
Nhận xét về anh, Thượng tá Trương Thị Hồng Tám, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường cho biết: Trung tá Nguyễn Văn Lâm với tinh thần nhiệt huyết, luôn hăng hái, tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào đền ơn đáp nghĩa, công tác xã hội bằng những việc làm thiết thực, đặc biệt là nghĩa cử cao đẹp trong tình nguyện hiến máu nhân đạo, được các ngành, các cấp tôn vinh, ghi nhận là tấm gương sáng cho cán bộ chiến sĩ trẻ học tập, noi theo. Bên cạnh đó, đồng chí phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ huy đội, gương mẫu, tận tụy trong công việc, tích cực nghiên cứu sâu văn bản nghiệp vụ chuyên môn, chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, đạt hiệu quả các mặt công tác lĩnh vực phụ trách; nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: XUÂN THẢO
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.