16/09/2020 10:28
Chị Phạm Thị Tố Như, Phó Bí thư Thường trực Huyện Đoàn Cầu Ngang cho biết: Qua 04 năm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, lực lượng ĐVTN từng bước có chuyển biến nhận thức, giác ngộ chính trị, củng cố niềm tin, tăng cường ý thức trách nhiệm của bản thân đối với quê hương. Mỗi nội dung, phong trào, hoạt động của Đoàn đều gắn liền với việc học tập và làm theo lời Bác như: mô hình Hũ gạo tình thương, Thắp sáng ước mơ, Bữa cơm yêu thương, Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, Sản phẩm tranh nhôm thân thiện với môi trường, Tổ hợp tác trồng màu kết hợp với nuôi bò sinh sản, đã tạo sự gắn kết giữa thanh niên với tổ chức Đoàn.
Theo giới thiệu của Huyện Đoàn Cầu Ngang, chúng tôi tìm đến Chi đoàn ấp Huyền Đức, xã Long Sơn. Chi đoàn ấp Huyền Đức đã thực hiện hiệu quả mô hình “Mượn đất cho ĐVTN nghèo trồng màu, phát triển sản xuất”. Anh Huỳnh Văn Lâm, Bí thư Chi đoàn ấp Huyền Đức cho biết: Chi đoàn hiện có 14 đoàn viên, trong đó có 04 hộ nghèo, 06 hộ cận nghèo, đa số ĐVTN không có việc làm ổn định, không có đất sản xuất, ai mướn gì làm đó. Những năm trước đây, một số ĐVTN đi làm ăn xa, việc tập hợp thanh niên gặp nhiều khó khăn.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua các chuyên đề hằng năm, đặc biệt là chuyên đề “về xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân” gắn với Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Ban Chấp hành Chi đoàn đã nhận thức sâu sắc rằng muốn đoàn viên tha thiết tham gia vào tổ chức Đoàn, Chi đoàn cần phải xây dựng một mô hình hiệu quả, bền vững, đặc biệt là những mô hình phát triển kinh tế, nhằm giúp đoàn viên tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Sau thời gian trăn trở, nhiều cuộc họp chi đoàn đều có đề xuất xây dựng một số mô hình, nhưng không mang lại hiệu quả.
Năm 2016, từ thực tiễn địa phương, anh Huỳnh Văn Lâm cho biết thêm: nhận thấy trên địa bàn có nhiều hộ dân có nhiều mảnh ruộng, thửa vườn không canh tác, cây cỏ mọc um tùm, từ đó, Chi đoàn phối hợp với Xã Đoàn và Ban Nhân dân ấp đến các hộ có đất không sản xuất, vận động cho chi đoàn mượn để tạo điều kiện cho đoàn viên nghèo được trồng trọt, có thêm thu nhập.
Bước đầu vận động, chi đoàn gặp rất nhiều khó khăn, hộ dân có đất cho mượn, ban đầu có sự nghi ngờ về tính chân thật của mô hình, một số hộ e ngại ĐVTN canh tác không đúng kỹ thuật sẽ làm sụt giảm tiềm năng của đất… nhưng với lòng nhiệt huyết, các thành viên trong chi đoàn tiếp tục vận động, lập danh sách đoàn viên nghèo cần đất sản xuất, vạch ra nhiều phương án canh tác hợp lý để hộ cho mượn đất thấy rằng đây là việc làm đúng nghĩa, góp phần chính đáng vào công tác xã hội.
Năm đầu, có 03 hộ cho mượn 5.000m2 đất giồng, Chi đoàn chuyển cho 02 đoàn viên mượn để trồng là ớt chỉ thiên và dưa hấu. Bước đầu canh tác thuận lợi, được mùa, trúng giá, đoàn viên rất phấn khởi và cả hộ cho mượn đất cũng thấy vui, đoàn viên sử dụng đất đúng mục đích nên nhiều hộ không còn e ngại mà mạnh dạn cho mượn đất.
Đoàn viên Huỳnh Hiểu Hậu chăm sóc cây cà tím được trồng trên đất mượn. |
Đoàn viên Huỳnh Hiểu Hậu chia sẻ: năm 2018, gia đình tôi được hộ ông Nguyễn Văn Ràng cho mượn 1.500m2 đất, vụ đầu tiên tôi trồng ớt chỉ thiên, năm đầu tiên ớt trúng mùa, được giá, có lúc tôi bán được 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn dư hơn 06 triệu đồng, vợ chồng tôi mừng lắm. Sau vụ ớt, tôi tiếp tục trồng các loại cải, khổ qua,... nhờ chắt chiu dành dụm, năm 2018 tôi cất được căn nhà mái tôn trên nền đất được mượn và mở tiệm bán cơm, hủ tíu. Nhờ vậy, cuối năm 2019, gia đình tôi thoát nghèo, nhưng còn là hộ cận nghèo. Hiện nay, tôi tiếp tục được mượn đất sản xuất để phấn đấu thoát nghèo bền vững.
Đoàn viên Võ Văn Huynh phấn khởi nói: năm 2018 gia đình tôi được hộ dân và chi đoàn hỗ trợ cho mượn 2.000m2 đất trồng màu, tôi mừng lắm, tôi phấn đấu chăm chút trồng các loại hoa màu theo mùa vụ, nhờ đó mà gia đình tôi có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Năm 2019 cuộc sống đã ổn định nên gia đình tôi viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo để Nhà nước còn hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn khác. Hiện nay tôi đang trồng đậu đũa trên đất mượn, sắp đến thu hoạch. Được biết, giá đậu đũa ngoài chợ hiện khoảng 20.000 đồng/kg. Nếu giá này vẫn ổn định thì sau khi thu hoạch tôi thu về lợi nhuận ước trên 03 triệu đồng.
Đoàn viên Võ Văn Huynh (đứng giữa) nói về mô hình trồng đậu đũa.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, người cho chi đoàn mượn đất chia sẻ: năm 2018 tôi cho Chi đoàn ấp mượn 1.000m2 đất cho đoàn viên Võ Văn Huynh trồng dưa leo, tôi thấy gia đình Huynh rất siêng năng chăm sóc, chí thú làm ăn và sử dụng đất hiệu quả nên năm 2019 tôi mạnh dạn cho gia đình Huynh mượn thêm 1.000m2 đất để tiếp tục trồng màu.
Anh Huỳnh Văn Lâm cho biết thêm: Qua 03 năm thực hiện mô hình “Mượn đất cho ĐVTN nghèo trồng màu, phát triển sản xuất”, đến nay, chi đoàn được 10 hộ có đất cho mượn với 01ha đất, Chi đoàn cho 05 hộ đoàn viên nghèo để canh tác khoảng 6.000m2 đất, số đất còn lại Chi đoàn tập hợp thanh niên lại để cùng canh tác. Việc cho đoàn viên mượn đất được luân phiên nhau sau 03 năm canh tác nhằm hỗ trợ đoàn viên thoát nghèo hiệu quả, phần đất được các hộ dân cho mượn đến khi chi đoàn không còn đoàn viên nghèo, khó khăn thì sẽ trả đất lại cho chủ đất. Trong năm 2019, chi đoàn đã thành lập được 02 tổ hợp tác là trồng màu và nuôi gà với 14 thành viên, các thành viên vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cầu Ngang 20 triệu đồng/thành viên để hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ khi thành lập, tổ trồng màu đã sản xuất 03 vụ màu, sau khi thu hoạch, lợi nhuận 08 triệu đồng/thành viên/vụ.
Từ thực tế cho thấy, việc học tập và theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cụ thể hóa thành các phong trào, mô hình trong ĐVTN và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, đã huy động được đông đảo ĐVTN tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, thi đua lao động, học tập, sáng tạo, đưa công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên trong huyện phát triển bền vững, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Thực hiện mô hình “Nghe dân nói - Làm dân tin” từ đầu năm 2024 đến nay các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Cầu Kè đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả thiết thực, qua đó đã từng bước kịp thời giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.