05/12/2024 08:07
Trong chia sẻ với phóng viên VietNamNet chiều ngày 03/12, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet - ISP tại Việt Nam cho hay, từ 13 giờ ngày 29/11, tuyến cáp quang biển quốc tế APG bị lỗi trên nhánh S8 gần Thái Lan, gây gián đoạn toàn bộ kết nối Internet đi quốc tế trên tuyến.
“Thời điểm hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân của sự cố mới xảy ra trên tuyến cáp biển APG và cũng chưa có kế hoạch dự kiến về thời điểm sửa lỗi”, đại diện ISP chia sẻ thêm.
Trong khi đó, một tuyến cáp quang biển quốc tế khác là AAE-1 cũng đang gặp sự cố, chưa khôi phục được hoàn toàn dung lượng kết nối trên tuyến. Cụ thể, hồi tháng 5/2024, tuyến AAE-1 bị lỗi trên 02 nhánh là S1H3 giữa trạm cập bờ Cambodia với Việt Nam, và S1H5 hướng kết nối đi Singapore.
Sau đó, sự cố trên nhánh S1H3 của tuyến cáp biển AAE-1 đã được khắc phục xong vào cuối tháng 9/2024; tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, lỗi rò nguồn trên nhánh S1H5 đã hơn 03 lần bị lùi kế hoạch sửa chữa.
Lịch gần nhất các nhà mạng Việt Nam được thông báo là dự kiến ngày 05/12 sẽ khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối trên tuyến AAE-1.
Như vậy, thời điểm hiện tại, có 02/5 tuyến cáp biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, đang gặp sự cố. Theo một chuyên gia, mức độ ảnh hưởng của các ISP tại Việt Nam sẽ không giống nhau, tùy thuộc vào dung lượng 02 tuyến APG và AAE-1 mà họ sử dụng.
Hạ tầng cáp quang biển rất quan trọng trong truyền tải thông tin liên lạc và dữ liệu toàn cầu nhưng cũng dễ gặp rủi ro, gián đoạn dịch vụ.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), Việt Nam hiện đang khai thác 05 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG, AAE-1, APG, SMW3 và IA với tổng dung lượng đang sử dụng hơn 20 Tbps, và tổng dung lượng khả dụng là 34Tbps. Toàn bộ các tuyến cáp biển này đều kết nối ra phía Đông qua Biển Đông từ 06 trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng, Quy Nhơn và Vũng Tàu.
Về điểm kết nối, 90% dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam là tới các hub lớn trong khu vực châu Á và 10% còn lại kết nối tới các hub thuộc châu Âu và Mỹ.
Đáng chú ý, các tuyến cáp quang biển mà Việt Nam đang sử dụng, trung bình mỗi năm gặp 15 sự cố. Giai đoạn trước năm 2022, thời gian sửa chữa cáp biển kéo dài từ 01 - 02 tháng/sự cố. Từ năm 2022 đến nay, thời gian khắc phục sự cố cáp biển đã kéo dài hơn.
Chia sẻ tại Internet Day 2024 diễn ra mới đây, đại diện Cục Viễn thông chỉ rõ một trong những định hướng lớn đã được xác định tại Chiến lược hạ tầng số của Việt Nam là đảm bảo thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu toàn cầu.
Cụ thể, để đảm bảo thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu toàn cầu, trong năm 2025 Việt Nam sẽ đưa ít nhất 02 tuyến cáp quang biển mới vào khai thác, đồng thời dự kiến bổ sung tối thiểu 08 tuyến cáp biển vào năm 2030, nâng tổng dung lượng thiết kế đáp ứng yêu cầu dự phòng tối thiểu “1+2”.
“Điều này đảm bảo tính bền vững, an toàn của hạ tầng viễn thông quốc tế, đảm bảo kết nối không bị gián đoạn, tăng cường năng lực băng thông kết nối quốc tế”, đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Theo vietnamnet.vn
Năm qua, 200 doanh nghiệp giành Giải thưởng Sao vàng đất Việt có tổng tài sản 08 triệu tỷ đồng, doanh thu đạt gần 800 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận đạt 115 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 65 nghìn tỷ đồng và tạo việc làm cho 405 nghìn lao động.