30/01/2024 09:11
Theo Bộ KH-CN (KH-CN), trong năm 2024, ngành KH-CN tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch về hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là năm "tăng tốc, bứt phá" thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Theo đó, có 08 nhiệm vụ trọng tâm Bộ KH-CN sẽ triển khai trong năm 2024:
Thứ nhất, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực KH-CN và đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
Tại Nghị quyết 36 xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có nền công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng. Việt Nam trở thành một trong 10 nước hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; đưa vào ứng dụng trong các ngành, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.
Ảnh minh họa.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung sửa đổi quy định về đầu tư, cơ chế tài chính và xử lý tài sản đối với các hoạt động KH-CN.
Bộ KH-CN sửa đổi, bổ sung các dự thảo Luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ: Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, KH-CN; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Năng lượng nguyên tử. 04 nghị định sẽ được sửa đổi bổ sung, tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KH-CN. Nhiệm vụ này nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính, xây dựng cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, triển khai Chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Triển khai các Chương trình, nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030. Xác định rõ những công nghệ trọng điểm, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam; đổi mới cách xác định và triển khai các nhiệm vụ phục vụ, sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Thứ tư, Bộ KH-CN tập trung hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN. Cơ chế tự chủ của các tổ chức công lập đang theo quy định tại Nghị định 60 (năm 2021) còn gặp nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN, gây khó khăn cho quản lý. Vấn đề nhân lực KH-CN đã đề cập trong Luật KH-CN 2013 song vẫn thiếu quy định gắn kết giữa đào tạo giáo dục đại học với hoạt động nghiên cứu, dẫn tới chưa thúc đẩy được các tổ chức có năng lực tự chủ. Do đó việc hoàn thiện cơ chế nhằm thúc đẩy tự chủ, gỡ bỏ các rào cản hành chính.
Thứ năm, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; thị trường KH-CN; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư.
Thứ sáu, tập trung các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời có các giải pháp đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; kiểm soát dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao; xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên khi hết thời hạn hoạt động.
Thứ bảy, đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi quyền sở hữu công nghiệp, khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về KH-CN.
Theo qdnd.vn
Cuộc thi an ninh mạng ASEAN Cyber Shield, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam, được tổ chức với 02 hạng mục cho những đội tuyển IT của các nước trong khu vực thi đấu.