27/07/2023 05:27
Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 468 phê duyệt vào tháng 3/2021.
Đề án nhằm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Đầu tháng 12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61 năm 2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Tại Nghị định 107, hành vi “Yêu cầu cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu điện tử hoặc đã được số hóa có giá trị pháp lý theo quy định pháp luật, được kết nối, chia sẻ dữ liệu trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trừ trường hợp sử dụng cho mục đích xác minh, thẩm tra lại tính xác thực của thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được số hóa” được bổ sung vào nhóm các hành vi không được làm trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Cùng với đó, Nghị định 107 cũng bổ sung một số quy định, trong đó có hướng dẫn về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định 107 và Quyết định 468, tháng 5/2022, Văn phòng Chính phủ đã có hướng dẫn việc kết nối, tích hợp, chia sẻ tài liệu số hóa giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trước đó, từ trung tuần tháng 12/2021, cơ quan này cũng đã hướng dẫn về số hóa hồ sơ, kết quả trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện đã tích hợp, cung cấp trên 4.400 dịch vụ công trực tuyến cho các cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Chính phủ, đến nay mới chỉ có 03 bộ, cơ quan và 11 tỉnh, thành phố hoàn thành việc kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh với Kho Quản lý dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Vì thế, để triển khai có hiệu quả nội dung số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa, ngày 25/7, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị 17 bộ, cơ quan và 52 tỉnh, thành phố khẩn trương kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Việc này nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05 ngày 23/02/2023 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
Các bộ, cơ quan, địa phương cũng được đề nghị rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở sử dụng kết quả, hồ sơ thủ tục hành chính đã được số hóa tại các bộ, tỉnh thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, bảo đảm hạ tầng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để tổ chức, cá nhân có thể khai thác các dữ liệu đã tích hợp, cung cấp trên Kho quản lý dữ liệu điện tử của Cổng Dịch vụ công quốc gia được thông suốt, liên tục.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, nửa đầu năm 2023, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có chuyển biến rõ rệt.
Cổng đã kết nối, tích hợp với 150 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị; công khai toàn bộ hơn 6.400 thủ tục hành chính; trong đó đã tích hợp, cung cấp trên 4.400 dịch vụ công trực tuyến, chiếm hơn 67%.
Tính đến hết tháng 6/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 7,77 triệu tài khoản, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái; hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ, tăng hơn 1,76 lần; hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, tăng hơn 03 lần; 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng, tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo vietnamnet.vn
Thủ đoạn lừa cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản là 01 trong 03 chiêu lừa phổ biến tuần qua, vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo tới người dân.