31/08/2022 09:28
38 bài thi tham gia Giải thưởng bình chọn Sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo 2022 (AI Awards 2022) do VnExpress tổ chức đang ở vòng bình chọn, bắt đầu từ ngày 20/8. Vượt qua vòng sơ loại từ các hồ sơ gửi về cuộc thi, sau gần hai tuần, các dự án có lượt bình chọn cao đang dần lộ diện. Cổng bình chọn sẽ đóng vào ngày 30/8.
Dẫn đầu là dự án VAIPE: Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ thông minh cho người Việt với 498 lượt bình chọn. Giải pháp được phát triển bởi Trung tâm Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois, Trường Đại học VinUni.
VAIPE được tích hợp các công nghệ AI, đã huấn luyện trên các cơ sở dữ liệu quy mô lớn của người Việt cho phép phân tích dữ liệu tự động và chính xác. Giải pháp cung cấp một nền tảng di động cho phép thu thập, quản lý, phân tích dữ liệu sức khỏe của các cá nhân, từ đó giúp tự động nhận dạng thuốc từ hình ảnh chụp viên thuốc. Thói quen sử dụng thuốc, nhịp tim, huyết áp, chỉ số chiều cao, cân nặng cũng như các chỉ số sức khỏe quan trọng khác như tín hiệu ECG sẽ được thu thập thông qua điện thoại thông minh và được phân tích nhằm đưa các khuyến cáo về việc sử dụng thuốc an toàn, cảnh báo uống nhầm thuốc, uống thuốc ngoài đơn kê và chẩn đoán sớm các bệnh lý.
Ở vị trí 2, dự án VnBEyes (Vietnam Bright Eyes) - ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị chủ động tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, nhận 422 lượt bình chọn. Đưa ra giải pháp công nghệ nhận dạng giọng nói (Speech to Text), xử lý ảnh, và tổng hợp giọng nói (Text to Speech) nhóm của tác giả TS Phan Việt Anh, Phó chủ nhiệm Bộ môn An toàn thông tin, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Kỹ thuật quân sự, kỳ vọng được cộng đồng AI đón nhận và góp sức hỗ trợ người khuyết tật. Nhóm dự định phát triển thành sản phẩm hoàn thiện, cung cấp lên kho ứng dụng miễn phí hỗ trợ người mù, như định vị và nhận dạng các mệnh giá tiền, đọc tài liệu bản in/bản mềm sử dụng camera của điện thoại, hay đọc các bản tin trên báo điện tử.
Vị trí thứ 3 thuộc về giải pháp "Fi-Mi: Hệ thống di động quan trắc và dự đoán chất lượng không khí ứng dụng trí tuệ nhân tạo" với 339 lượt bình chọn, thuộc Phòng nghiên cứu ICN, Trung tâm BK.AI, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự án Fi-Mi đề xuất hệ thống quan trắc di động sử dụng các thiết bị quan trắc tự chế tạo có giá thành rẻ, đặt trên các xe buýt. Giải pháp cung cấp bản đồ chất lượng không khí thời gian thực với độ chính xác cao và độ phủ rộng. Người dân có thể truy cập thông tin chất lượng không khí ở mọi vị trí, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà trong cả tương lai.
Đứng vị trí thứ 4 là dự án Giải pháp Voicebot FPT AI Engage của đơn vị FPT Smart Cloud. Giải pháp voicebot thông minh ứng dụng các công nghệ AI tiên tiến nhất như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), tổng hợp giọng nói tự nhiên (Speech synthesis), chuyển văn bản thành giọng nói (Text to Speech). Giải pháp giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình hiện các cuộc gọi đi, cuộc gọi đến hoặc chuyển tiếp cuộc gọi thông minh. Với khả năng nghe hiểu, tương tác tự nhiên như người thật, độ chính xác lên đến 92%, AI voicebot xử lý thành công hầu hết các yêu cầu tác vụ đơn giản từ khách hàng, giải đáp các thắc mắc thường gặp.
Vị trí thứ 5 thuộc về Ezin Car Physical Damages Inspection solution của Ezin Vietnam, với 239 lượt bình chọn. Đây là giải pháp để công ty bảo hiểm có thể bán bảo hiểm trên mọi nền tảng cho chủ xe ô tô, mọi thông tin được minh bạch cho cả công ty và khách hàng.
Bám sát theo sau ở vị trí 6 với 224 bình chọn là dự án Hệ thống phần mềm AI nhận diện khuôn mặt, của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ (VKIST). VKIST được phát triển dựa trên công nghệ học sâu tích hợp công nghệ mô hình hoá khuôn mặt ba chiều và biến đổi vec-tơ nhúng DREAM cho phép nhận diện khuôn mặt trong điều kiện bị che lấp bởi khẩu trang hay các phụ kiện, khuôn mặt không ở vị trí chính diện so với camera. Giải pháp công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể được ứng dụng để phục vụ điểm danh trong cơ quan hay các trường học, kiểm soát vào ra, theo dõi đối tượng.
Ngoài những giải pháp, sản phẩm nhận được lượng bình chọn cao, nhiều dự án tham gia cũng thể hiện tính sáng tạo, giá trị trong nghiên cứu. Điều này cho thấy sự tâm huyết của các tác giả, nhóm tác giả đến với cuộc thi.
Để vào chung kết, điểm của bài thi bao gồm 60% điểm đánh giá của Hội đồng giám khảo và 40% bình chọn của độc giả. 05 thành viên Hội đồng chuyên môn sẽ lựa chọn top 05 xuất sắc nhất là các sản phẩm, giải pháp ứng dụng AI nổi bật trong sản xuất doanh nghiệp và cuộc sống để trao giải.
Mỗi dự án được giải sẽ nhận thưởng 150 triệu đồng, trong đó 30 triệu đồng tiền mặt và gói truyền thông trị giá 120 triệu đồng trên VnExpress. Đặc biệt các dự án tiềm năng có cơ hội kết nối với doanh nghiệp nhằm hoàn thiện giải pháp, sản phẩm, đưa ra thị trường thông qua vòng AI Tech Matching, tổng chi phí đầu tư lên tới 60.000 AUD (gần một tỷ đồng) đến từ nhà tài trợ Aus4innovation.
AI Awards 2022 được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam AI4VN 2022 với chủ đề "AI phục hồi kinh tế, định hình tương lai" do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, VnExpress là đơn vị tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra trong chương trình AI Summit, dự kiến tổ chức vào 22-23/9/2022 tại Hà Nội.
Theo vnexpress.net
Hai nhà khoa học Việt Nam được bầu là viện sĩ Viên Hàn lâm Khoa học Thế giới gồm Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai.