30/01/2025 08:32
Tất cả đều nhằm khuyến khích, thúc đẩy các sản phẩm báo chí sáng tạo trong các tòa soạn, trong bối cảnh báo chí chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ truyền thông xã hội.
Báo chí sáng tạo là gì?
Tuy nhiên, mọi sự cần phải quay về điểm khởi đầu. Vậy báo chí sáng tạo bắt nguồn từ đâu và nó bao hàm những ý nghĩa gì bên ngoài lĩnh vực báo chí?
Khái niệm “Innovation Journalism” lần đầu tiên được tác giả người Thụy Điển David Nordfors đề cập vào năm 2003, rồi được giới thiệu rộng rãi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF vào năm 2008, như là một trong 07 vấn đề được thảo luận chính thức, nhằm định nghĩa lại vai trò của truyền thông trong một xã hội kết nối, trên nền tảng của toàn cầu hóa.
Lúc này, báo chí đã phát triển theo hướng có sự tác động của công nghệ, kết nối với các yếu tố đa chiều như chính sách, quản trị, nghiên cứu và phát triển (R&D) với văn hóa. Nó cung cấp thông tin toàn diện về cách mà các sáng kiến mới ảnh hưởng đến doanh nghiệp, chính phủ và xã hội. Vai trò của báo chí sáng tạo là khám phá, phân tích và thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc về hệ thống đổi mới.
Với nội dung bao hàm các vấn đề lớn như vậy thì cách kể chuyện truyền thống của báo chí, với văn bản và hình ảnh (text and photo) sẽ khó lòng chuyển tải tất cả sự phức tạp và sinh động của hiện thực khách quan. Các nhà nghiên cứu cho rằng khái niệm cốt lõi của Báo chí Sáng tạo thúc đẩy việc sử dụng internet, hoặc các phương tiện truyền thông kỹ thuật số khác ngoài báo in truyền thống, để đề cập tới các vấn đề của cuộc sống. Năm 2017, WAN-IFRA đã liệt kê 07 sự thay đổi của truyền thông, trong đó có nhấn mạnh đến sự thay đổi về cách kể chuyện, từ “text and photo” sang cách kể chuyện đa phương tiện (multimedia storytelling).
Viện nghiên cứu Báo chí Reuters đồng tình với nhận định đó khi viết trong báo cáo Digital năm 2024: “Trong 20 năm qua, văn bản là loại hình chính, chi phối dòng chảy tin tức trên internet. Bởi người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và dẫn link các bài báo thuần văn bản, loại hình này đã thúc đẩy các cuộc trò chuyện, tranh luận của độc giả; đồng thời quyết định chính vào khả năng kiếm tiền của các tòa soạn.
Nhưng trong một vài năm gần đây thị trường nội dung nổi lên 03 đặc điểm: Thứ nhất, nhiều loại thiết bị mới được phát hành. Thứ hai, các nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ. Thứ ba, độc giả trẻ tuổi thích sử dụng audio và video hơn là văn bản.
Một số tòa soạn gọi sự thay đổi này là “giai đoạn thứ hai” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Cuộc chuyển đổi này đòi hỏi một sự thay đổi không nhỏ từ văn hóa văn bản sang sản xuất đa phương tiện. Với nhiều tòa soạn truyền thống, đây là một thách thức lớn”.
Nhiều tác phẩm của các cơ quan báo chí trong nước được thiết kế, trình bày sáng tạo để thu hút bạn đọc.
Độc giả của báo chí sáng tạo là ai?
Thật ra, xu thế này gần như là điều bắt buộc, khi mà thế hệ Z (hay còn gọi là gen Z, sinh từ 1996 tới 2015) sẽ là nhóm nhân khẩu học lớn nhất trong những năm tới (tính đến tầm nhìn 2032). Trong cuốn Báo cáo Sáng tạo năm 2023 của FIPP, tác giả Juan Senor cho rằng “Gen Z giữ chìa khóa mở ra tương lai bền vững cho các tòa soạn, nhưng cần được cho phép xoay chìa để mở”. Công ty truyền thông nổi tiếng Paragorn thì lưu ý: “Gen Z đang thay đổi báo chí, không chỉ theo cách họ sử dụng báo chí mà cả cách họ nghĩ về báo chí”.
Chính vì thế, nhiệm vụ của các tòa soạn là làm thế nào để thu hút, tương tác và giữ chân độc giả gen Z. Nói đơn giản, nếu không sáng tạo, báo chí sẽ khó lòng phát triển được độc giả, đặc biệt là gen Z, những người có thói quen xem, nghe và tương tác nhiều hơn là đọc.
Vậy báo chí thế giới đã làm như thế nào? Mỗi năm, cuốn Báo cáo sáng tạo của FIPP đều dành một phần lớn để giới thiệu những sản phẩm sáng tạo của các cơ quan báo chí trên thế giới. WAN-IFRA thì trao giải cho những tác phẩm báo chí vượt xa suy nghĩ thông thường của mọi người.
Ngay từ năm 2021, tờ New York Times đã gây chấn động khi thực hiện sản phẩm báo chí đa phương tiện về vụ lở tuyết tại dãy Tunnel Creek, để rồi từ đó, “Snow Fall” (Lở tuyết) đã trở thành một thuật ngữ để chỉ hiệu ứng sáng tạo trong báo chí. Đương nhiên với tiềm lực của mình, báo chí thế giới nhanh chóng biến các tác phẩm báo chí trở nên sống động hơn bao giờ hết, thậm chí thật hơn cả đời thực nhờ công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR).
Ngay cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, báo chí của các nước láng giềng với chúng ta cũng đã tiến rất xa. Chẳng hạn như năm 2021, tờ South China Morning Post của Hong Kong (Trung Quốc) bắt tay với công ty metaverse Sandbox cho phép người đọc nhập vai bằng một nhân vật ảo để lên chiếc phà, qua đó có thể khám phá lịch sử Hong Kong. Hay từ 07-08 năm trước, tờ Rappler của Philippines đã cho độc giả cảm giác như rơi vào vùng chiến sự ở Marawi với tác phẩm sử dụng công nghệ thực tế ảo VR 360.
Tác phẩm đa phương tiện của Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân và Vietnamplus.vn
Sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình
Do đó, trong kỷ nguyên vươn mình, báo chí Việt Nam cũng phải nỗ lực để bắt kịp các đối thủ trong khu vực. Chẳng nói đâu xa, Báo Nhân Dân đã đoạt liền 02 giải thưởng quốc tế (đều của WAN-IFRA) trong năm 2024 với tác phẩm panorama Điện Biên Phủ. Mà điều đáng nói nhất là tờ báo Đảng đã truyền được cảm hứng cho hàng triệu bạn trẻ, đúng với tiêu chí chinh phục gen Z như thế giới đang làm.
Rất nhiều tác phẩm báo chí sống động khác của các cơ quan báo chí trong nước, từ VietnamPlus (sản phẩm 3D tương tác về 70 năm Giải phóng Thủ đô), VOV (Chuyện ngõ nhỏ thời Covid-19), VnExpress (Đường đi của nước, Chuyến bay giải cứu…) cũng đều được xướng tên tại các giải thưởng trong và ngoài nước, đủ để Hội Nhà báo Việt Nam khai sinh thêm một giải thưởng dành cho Báo chí Sáng tạo tại giải Báo chí Quốc gia tới đây.
Và chắc hẳn, báo chí sáng tạo sẽ trở thành phản xạ tự nhiên của mỗi cơ quan báo chí, khi thực hiện các vấn đề lớn, nhất là trong một năm có rất nhiều cột mốc kỷ niệm quan trọng như năm 2025. Bởi đó cũng là năm đánh dấu sự bắt đầu của kỷ nguyên vươn mình trong báo chí!
Theo qdnd.vn
Trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) không ghi nhận việc xảy ra các sự cố tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng.