01/04/2022 10:44
Nhiều kênh video, trang web đăng tải các nội dung phản cảm, không phù hợp với trẻ em.
Thời gian vừa qua, không ít bạn đọc phản ánh về việc trên các ứng dụng, diễn đàn, mạng xã hội, kênh video... trên internet xuất hiện các bài viết, clip, hình ảnh “gắn mác” dành cho trẻ em, nhưng mang nội dung không có tính giáo dục, phản cảm. Chị Nguyễn Thu Hoa (trú phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có hai con trai 9 và 6 tuổi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cháu chủ yếu tự trông nhau và tự học trên internet.
Thời gian qua, tôi rất lo lắng vì thấy các cháu thỉnh thoảng có hành động, lời nói không phù hợp độ tuổi của mình, thậm chí có xu hướng hay gây gổ, bạo lực hơn trước. Tìm hiểu, vợ chồng tôi mới biết các cháu thường xuyên xem những clip trên kênh Youtube có nhiều hình ảnh chửi bới, bạo lực và bị ảnh hưởng từ đó”.
Anh Nguyễn Trung (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, do thường xuyên xem các clip tiếng Anh trên mạng mà khả năng nghe, nói tiếng Anh của các con anh tiến bộ từng ngày. Tuy nhiên, khi không có sự kiểm soát của người lớn, có thể các cháu sẽ truy cập vào các video có nội dung vô bổ, nhảm nhí. Chưa kể, trẻ cũng rất dễ bắt chước theo các nhân vật ưa thích. Vừa qua, nhiều vụ trẻ em gặp nguy hiểm vì làm theo các clip nhào lộn, chế tạo pháo…
Thậm chí các bé còn có thể bị gạ gẫm, quấy rối. Vì vậy, vợ chồng anh Trung phải thường xuyên thay phiên nhau kiểm soát việc sử dụng internet của con và hướng dẫn bé chỉ dùng, truy cập các ứng dụng, trang web có ích, phù hợp độ tuổi.
Một cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia không gian mạng an toàn. Không chỉ đối mặt nguy cơ tiếp xúc các thông tin xấu, độc, không phù hợp độ tuổi, mà việc trẻ sử dụng internet thiếu sự kiểm soát của người lớn có thể làm lộ thông tin cá nhân hoặc bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất, tinh thần và nhân cách của trẻ.
Để bảo vệ trẻ trên không gian mạng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường cần hướng dẫn, cảnh báo các em về việc sử dụng internet an toàn. Gia đình cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con cái. Xã hội cần lên án mạnh mẽ, thậm chí phải tẩy chay đối với các ứng dụng, trang web... có nội dung độc hại.
Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, triệt xóa và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.
Theo luật sư Phạm Việt Hưng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), về hành lang pháp lý, nước ta đã có nhiều văn bản pháp luật liên quan việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Điều 54, Luật Trẻ em năm 2016 quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng...
Theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi chia sẻ thông tin, cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm... có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; xây dựng và triển khai các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin nhằm ngăn chặn nội dung xâm hại trẻ em... Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo nhandan.vn
Tương lai của Internet tại Việt Nam sẽ hứa hẹn nhiều đột phá khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.