05/04/2023 14:19
Các địa phương vào cuộc chặn vấn nạn SIM kích hoạt sẵn bán tràn lan
Theo Công văn của Bộ TTTT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong thời gian vừa qua, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến, mặc dù thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có, đã dẫn đến tình trạng bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân bị thiệt hại về tài sản.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên, xử lý triệt để vấn đề SIM rác, Bộ TTTT triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 05/4/2023 - 05/6/2023.
Để đợt thanh tra được hiệu quả, Bộ TTTT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm phối hợp chỉ đạo triển khai đợt thanh tra, cụ thể như sau: Chỉ đạo sở TTTT khẩn trương thành lập các đoàn thanh tra, triển khai thanh tra đồng bộ trên cả nước đối với chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông tại địa phương, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường.
Bộ TTTT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, các cơ quan có liên quan phối hợp với sở TTTT triển khai đợt thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi để đợt thanh tra đạt kết quả tốt.
Trao đổi về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu của các doanh nghiệp viễn thông nếu vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao di động, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết, vừa qua Thanh tra Bộ TTTT đã kiểm tra các nhà mạng về thực hiện quy định quản lý thông tin thuê bao trả trước và tiến hành xử phạt tất cả nhà mạng sai phạm. Sau đó, Bộ TTTT ký văn bản nhắc nhở lần 02 đối với các doanh nghiệp viễn thông vi phạm.
“Nếu nhà mạng không tuân thủ quy định về quản lý thông tin thuê bao di động, Bộ TTTT phải có văn bản nhắc nhở lần 03, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp. Hiện Bộ TTTT không quản lý trực tiếp nhân sự của các doanh nghiệp viễn thông. Tuy nhiên, Bộ TTTT sẽ gửi văn bản đến cơ quan chủ quản trên tinh thần xử lý người đứng đầu các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Thanh tra, kiểm tra các nhà mạng và đại lý để xử lý sai phạm
Cùng với công văn gửi các tỉnh, thành phố, Bộ TTTT cũng đã gửi văn bản cho các sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Công văn này nêu rõ, trong thời gian vừa qua, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến, mặc dù thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM không rõ mục đích sử dụng.
Bộ TTTT yêu cầu các sở TTTT phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý của sở, cụ thể như sau: thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường.
Bộ TTTT yêu cầu doanh nghiệp thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động của các doanh nghiệp viễn thông di động tại địa phương gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Đông Dương Telecom, MOBICAST, Công ty cổ phần viễn thông ASIM và cả các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đăng ký thông tin thuê bao lớn, có dấu hiệu vi phạm.
Biện pháp tiến hành thanh tra, kiểm tra: Sở TTTT làm việc, yêu cầu các trung tâm, chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dữ liệu đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên.
Bên cạnh đó sẽ thanh kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM lớn nhất.
Ngoài ra, khi thấy cần thiết, sở TTTT yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bổ sung dữ liệu hoặc thêm các tiêu chí khác để phục vụ công tác thanh tra. Đối với việc đăng ký sử dụng SIM điện thoại số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường từ dữ liệu được cung cấp, kiểm tra các dấu hiệu để xử lý vi phạm các doanh nghiệp viễn thông, các tổ chức cá nhân liên quan như các SIM điện thoại có thuê bao không đầy đủ, không chính xác, có cùng thông tin thuê bao, ảnh chụp giống nhau nhưng được tái sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở các thời điểm khác nhau hoặc tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khác nhau.
Bộ TTTT cũng yêu cầu các sở TTTT mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn bất thường đến làm việc, cùng với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp viễn thông di động. Trường hợp chủ thuê bao không làm rõ được các SIM này đang ở đâu hoặc việc sở hữu các số thuê bao, lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động đình chỉ cung cấp dịch vụ hoặc nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định nếu chủ thuê bao không thực hiện.
Trường hợp có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn, sở TTTT xây dựng phương án phân cấp, hướng dẫn, đề nghị UBND quận huyện chỉ đạo phòng văn hóa thông tin, phối hợp với UBND phường xã yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân nói trên đến làm việc để xác minh, làm rõ. Sau đó, gửi kết quả nếu các SIM điện thoại không do chính chủ thuê bao sử dụng để sở TTTT yêu cầu doanh nghiệp viễn thông đình chỉ cung cấp dịch vụ hoặc nhắn tin cho chủ thuê bao đăng ký lại thông tin theo quy định.
Đối với thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng lớn thực hiện tương tự trên, sở TTTT chỉ đạo kiểm tra các trường hợp thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác, có cùng thông tin thuê bao và ảnh chụp giống nhau nhưng được tái sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở các thời điểm khác nhau.
Theo vietnamnet.vn
Với những tiện ích, như tích hợp được nhiều thông tin, thay thế nhiều loại giấy tờ, thao tác nhanh chóng, đơn giản, ứng dụng VNeID đang ngày một trở nên gần gũi, thiết yếu với đời sống của người dân. Nhất là, khi Bộ Công an triển khai việc tố giác tin báo về tội phạm qua ứng dụng VNeID thì đây còn trở thành một “kênh” tố giác tội phạm tiện ích.