22/09/2023 14:37
Kinh tế số đặc trưng bởi giao dịch online
Tại diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất chủ đề "Mang nền tảng số đến hộ gia đình" mới được tổ chức tại Nam Định, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa nêu ra hình dung về kinh tế số để giúp mọi người hiểu và từ đó thúc đẩy phát triển nó.
Theo phân tích của người đứng đầu Bộ TT-TT, kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi: Công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, và kỹ năng số.
Kinh tế số đặc trưng bởi giao dịch online, một thế giới ảo, không giấy tờ, không tiền mặt. Mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới. Người lao động có kỹ năng số để làm việc. Người dân tự tin và an toàn sử dụng các dịch vụ số.
Chính phủ cung cấp dịch vụ công online, dễ dùng, sử dụng dữ liệu để dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá thể hoá của người dân. Chính phủ tạo ra môi trường sống, làm việc online, tạo ra niềm tin trong nền kinh tế số.
Theo ước tính của Bộ TT-TT, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 15%.
Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu cao, đó là đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%. Bộ TT-TT xác định rõ để hiện thực hóa được nhiệm vụ đầy thách thức này, cần có những giải pháp đột phá.
Theo ước tính của Bộ TT-TT, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 15%.
Tại tuyên bố bế mạc phiên cấp cao của Diễn đàn, đại diện Bộ TT-TT cũng đã nêu ra chương trình hành động với 10 hành động cụ thể. Trong đó có việc Bộ TT-TT hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển kinh tế số và xã hội số trong phạm vi địa phương; đồng thời trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025.
Thông tin cụ thể về các nội dung công việc mà Bộ TT-TT tập trung triển khai trong hơn 01 năm tới, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số Trần Minh Tuấn cho biết, dự kiến chậm nhất tháng 11/2023 Bộ sẽ phát hành các ấn phẩm, cẩm nang, chuyên đề về phát triển kinh tế số và xã hội số, và các ấn phẩm này sẽ được định kỳ cập nhật, bổ sung hàng năm.
Tháng 10/2023, Bộ TT-TT sẽ ban hành hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Hệ thống thông tin tổng hợp hỗ trợ giám sát, quản lý thúc đẩy kinh tế số, xã hội số sẽ được triển khai thử nghiệm trong tháng 11/2023.
Năm 2024, Bộ TT-TT sẽ chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, cùng với bộ chủ quản ngành, lĩnh vực xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số; đồng thời tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá mức độ chuyển đổi số và sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi từng khâu của nền kinh tế lên online.
03 tài liệu hỗ trợ các bộ, tỉnh phát triển kinh tế số và xã hội số
Đáng chú ý, đại diện Vụ Kinh tế số và xã hội số cũng cho biết, 03 tài liệu hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương phát triển kinh tế số và xã hội số sẽ lần lượt được xuất bản trong 03 tháng tới gồm: Báo cáo kinh tế số Việt Nam năm 2022, cẩm nang “Làng số”, và cẩm nang “Doanh nghiệp số”.
Trong đó, Báo cáo kinh tế số Việt Nam 2022 có nội dung chính tập trung vào lý luận con đường phát triển kinh tế số Việt Nam, kinh nghiệm phát triển kinh tế số Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, dự kiến được xuất bản ngay trong tháng 9 này.
Dự kiến được xuất bản vào tháng 10/2023, cẩm nang “Làng số” sẽ hướng dẫn mỗi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động xây dựng làng số, là mô hình kinh tế số và xã hội số nhỏ nhất. Mang đến tri thức và nguồn cảm hứng để các doanh nghiệp chủ động tham khảo áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cẩm nang “Doanh nghiệp số” dự kiến được xuất bản vào tháng 11/2023.
Với quan điểm coi phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả, thời gian qua, Bộ TT-TT đã cùng các Sở TT-TT địa phương lựa chọn khoảng 30 nền tảng số, dự kiến sẽ được cung cấp miễn phí với những chức năng cơ bản.
Hướng dẫn sử dụng 30 nền tảng số này sẽ giúp từng người dân, hộ gia đình, làng xã biết cách xây dựng hộ kinh doanh số, làng số, xã số, không cần phụ thuộc vào nguồn lực nào.
Ngay sau khi Bộ TT-TT xuất bản cẩm nang “Làng số”, các Sở TT-TT tỉnh, thành phố sẽ tổ chức Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, phổ biến cho người dân, các hộ gia đình, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.
Theo vietnamnet.vn
Thủ đoạn lừa cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản là 01 trong 03 chiêu lừa phổ biến tuần qua, vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo tới người dân.