30/08/2022 15:23
Đại diện các nhà mạng di động tại Việt Nam đã ký kết kế hoạch ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác.
Chiều 29/8 tại Hà Nội, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức lễ ký kết kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.
Buổi lễ có sự tham gia của đại diện các nhà mạng di động gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Reddi, Itel và GMobile.
Triển khai đồng loạt xử lý "rác viễn thông"
Theo Cục Viễn thông, đơn vị này đã họp với các doanh nghiệp để xem xét và điều chỉnh quy trình chống cuộc gọi rác sao cho phù hợp. Trong thời gian tới, hoạt động ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác sẽ được triển khai đồng loạt, đồng bộ với sự tham gia của cả cơ quan quản lý và các nhà mạng.
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết để giải quyết câu chuyện cuộc gọi rác, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ, cần phải có cả sự chung tay của người sử dụng.
Người dùng di động Việt phàn nàn khi nhận cuộc gọi rác là đúng. Nhưng khi nhà mạng gửi tin nhắn hỏi cuộc gọi họ vừa nhận có phải cuộc gọi rác hay không, tỷ lệ phản hồi rất thấp. Điều này đã gây ra những khó khăn với nhà mạng trong quá trình xác định nguồn phát tán cuộc gọi rác.
Theo lãnh đạo Cục Viễn thông, để ngăn chặn triệt để cuộc gọi rác, chỉ các giải pháp kỹ thuật không thôi là chưa đủ. Tỷ lệ phản hồi của khách hàng chính là sở cứ để nhà mạng tìm ra và chặn đứng cuộc gọi rác.
Người dùng di động do đó cũng cần có trách nhiệm phản hồi, chung tay cùng cơ quản lý nhà nước và các nhà mạng nhằm giải quyết câu chuyện này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long biểu dương Cục Viễn thông và các nhà mạng trong thời gian ngắn đã tích cực phối hợp cho ra đời bản kế hoạch về việc ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kiểm soát các SIM có dấu hiệu tồn kênh.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, sự tồn tại của những cuộc gọi không mong muốn là một vấn đề đã có từ lâu, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội mới có thể giải quyết được. Sự tồn tại của các cuộc gọi rác còn có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác, bao gồm cả các cuộc gọi lừa đảo.
Thực tế cho thấy, nhiều người dùng vẫn cần thông tin từ các cuộc gọi quảng cáo, việc quảng cáo dịch vụ cũng là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Nhưng để làm điều này, các thuê bao quảng cáo cần phải được định danh. Nếu các cuộc gọi được định danh, đó sẽ không còn là cuộc gọi rác.
Trong thời gian tới, Cục Viễn thông và Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giám sát chặt đối với các tiêu chí chặn lọc thuê bao nghi ngờ thực hiện hành vi phát tán các cuộc gọi không mong muốn.
Sau khi thuê bao nghi ngờ kết thúc cuộc gọi, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn để người dùng có thể trực tiếp phản hồi. Chính người dùng sẽ quyết định một thuê bao có phải là thuê bao rác, thực hiện cuộc gọi rác hay không. Các nhà mạng sau đó sẽ xử lý các thuê bao này dựa trên quy định đã có.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiên quyết nhằm xử lý triệt để tình trạng phát tán cuộc gọi rác. Trong quá trình đó, cơ quan quản lý nhà nước và các nhà mạng rất cần sự vào cuộc tham gia của người dùng thông qua hình thức phản hồi.
Quản lý chặt với "SIM ngủ"
Cũng tại buổi lễ ký kết, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã có ý kiến đối với vấn đề quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.
Thứ trưởng Long cho biết đây là những SIM có thông tin chính xác, đã được đăng ký trước nhưng chưa sử dụng và có khả năng trở thành SIM rác. Về cơ bản, có thể gọi đây là những "SIM ngủ" chờ ngày tung ra thị trường.
"Cục Viễn thông và các nhà mạng cần phải có biện pháp quản lý các SIM này để tránh trường hợp chúng bị biến thành những thuê bao quảng cáo, thậm chí là thuê bao lừa đảo," Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Hiện đã có các tiêu chí nhằm chặn lọc để tìm ra các "SIM ngủ." Trong quá trình tổ chức thực hiện, Cục Viễn thông và các nhà mạng sẽ tiếp tục điều chỉnh các tiêu chí này sao cho phù hợp nhằm xác định và có biện pháp quản lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết Khối Viễn thông 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu ngành viễn thông phải giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài, đó là các loại "rác viễn thông" như SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác, ngay trong năm 2022.
Theo Vietnam+
Hai nhà khoa học Việt Nam được bầu là viện sĩ Viên Hàn lâm Khoa học Thế giới gồm Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai.