30/07/2020 12:25
Nông dân Trần Văn Ca, ấp Tân Lập, xã Long Sơn kiểm tra tôm nuôi cùng với cán bộ nông nghiệp xã.
Là địa phương có diện tích nuôi thủy sản khá lớn của tỉnh, với 02 loại con nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Nhiệm kỳ qua, sản lượng nuôi thủy sản bình quân đạt 26.443 tấn/năm (tăng 1,42 lần), đặc biệt tôm thẻ chân trắng tăng 2,2 lần so nhiệm kỳ trước. Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ao nuôi bị ô nhiễm, hiệu quả nuôi tại các vùng ven biển không thuận lợi; giá tôm thương phẩm luôn biến động, dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để, còn diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng đó, nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ ao nuôi đất sang nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt và ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với thả nuôi tôm thâm canh trong ao đất. Tuy diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt chưa phát triển mạnh, nhưng góp phần nâng sản lượng thu hoạch trong 06 tháng đầu năm 2020 đạt 14.191 tấn, đạt 50,32% kế hoạch.
Từ khi chuyển đổi sang nuôi tôm lót bạt, nông dân Nguyễn Văn Tươi, ấp Năm, xã Mỹ Long Nam liên tục thắng lợi lớn và đạt lợi nhuận từ 0,9 - 01 tỷ đồng/năm. Theo ông Tươi, nuôi tôm lót bạt chi phí đầu tư cao, tỷ lệ tôm sống cao. Với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm, ông nhận thấy tôm nuôi thâm canh trong ao đất không phát triển, năng suất và sản lượng giảm dần theo từng đợt nuôi, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều và tồn tại trong ao đất không thể tiêu diệt triệt để. Từ đó, ông nghiên cứu, học hỏi và mạnh dạn đầu tư gần 01 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị như xe cuốc cải tạo ao, bạt, quạt, lưới phủ kín, ống dẫn tạo ô-xy,… nuôi tôm thâm canh trong ao lót bạt. Ban đầu với 04 ao nuôi, mỗi ao ông thiết kế từ 1.200 - 1.400m2/ao, thả nuôi 200.000 con giống/ao, trọng lượng tôm nuôi đạt 30 con/kg, lợi nhuận 900 triệu đồng.
Sau thành công vụ nuôi đầu tiên, ông tiếp tục thả nuôi vụ 02 và mở rộng diện tích thêm 04 ao nuôi trong vụ 03 và liên tiếp đạt hiệu quả cao. Riêng vụ nuôi năm 2020, ông mở rộng diện tích thả nuôi lên 18 ao nuôi, bình quân từ 200.000 - 220.000 con tôm giống/ao, sau 40 ngày nuôi, 07 ao nuôi bị thiệt hại, 11 ao còn lại nuôi đạt 30 - 40 con/kg, sản lượng thu hoạch đạt 70 tấn, giá bán bình quân 150.000 đồng/kg, tổng thu nhập gần 10 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 02 - 2,5 tỷ đồng. Do giá tôm luôn biến động nên vụ tôm nuôi đợt này ông giảm diện tích thả nuôi còn 09 ao, bình quân khoảng 150.000 con tôm giống/ao, trong đó có 07 ao phát triển gần 90 ngày, trọng lượng đạt 34 - 35 con/kg, sản lượng ước đạt 30 tấn, lợi nhuận ước đạt 40.000 đồng/kg.
Hay nông dân Trần Văn Ca, ấp Tân Lập, xã Long Sơn đã chuyển đổi thành công từ ao nuôi tôm đất sang nuôi trong ao lót bạt trong 02 năm qua, tổng lợi nhuận đạt 500 - 600 triệu đồng/năm. Nhớ lại năm đầu mới chuyển đổi, ông Ca cho biết: với gần 0,5ha diện tích mặt nước, ao thiết kế 02 ao lắng, 02 ao nuôi (1.200m2/ao nuôi), ông đầu tư 500 triệu đồng cải tạo ao nuôi, lót bạt đáy ao, bạt bờ ao và các hệ thống ống dẫn nước tạo ô-xy để sụt khí trong ao nuôi. Năm nuôi đầu tiên ông thả nuôi 400.000 con tôm thẻ chân trắng giống bị thất trắng, do thiếu kinh nghiệm cũng như các quy trình áp dụng nuôi tôm lót bạt nên bị thua lỗ 400 triệu đồng.
Rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi thất bại, năm thứ 2, ông tiếp tục thả nuôi số lượng con giống và diện tích trên và may mắn gặp “thiên thời địa lợi”, đạt lợi nhuận 500 triệu đồng. Thành công bước đầu giúp ông càng hăng say lao động và tích cực nghiên cứu quy trình ương tôm giống sau đó chuyển sang ao nuôi để hạn chế rủi ro, đến năm thứ 3 (năm 2020), cũng diện tích trên ông thả nuôi 400.000 con giống đạt lợi nhuận 600 triệu đồng. Sau khi xử lý ao nuôi, ông tiếp tục thả nuôi vụ mới, tôm sinh trưởng hơn 40 ngày.
Theo ông Ca, nuôi tôm trong ao lót bạt, tỷ lệ thành công cao hơn nuôi tôm trong ao đất. Nuôi trong ao lót bạt dễ xử lý hơn ao đất, trong quá trình nuôi, nông dân dễ dàng vệ sinh các tạp chất dưới đáy ao và xử lý môi trường nước khá thuận lợi, còn góp phần ngăn cản tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường vào ao nuôi. Còn nuôi ao đất đợi khi thu hoạch tôm, nông dân mới tiến hành nạo vét ao nuôi và xử lý tạp chất, vi khuẩn tiềm ẩn dưới đáy ao. Do đó tỷ lệ tôm sống trong môi trường nuôi ao lót bạt cao hơn nuôi tôm trong ao đất.
Bà Trần Thị Kim Chung, Phó Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: tuy nghề nuôi thủy sản của huyện bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung nhưng đang đối diện với thực trạng nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh, mặt khác đầu ra sản phẩm vẫn chưa ổn định. Để khắc phục những hạn chế đó, huyện đang tập trung vào các giải pháp nhằm định hướng cho nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững hơn.
Đối với những vùng chuyên canh tôm, khuyến cáo người dân xây dựng mô hình nuôi thâm canh (kể cả thâm canh trên ao lót bạt) để tăng năng suất, sản lượng, đồng thời để có giải pháp quản lý môi trường nuôi chặt chẽ hơn; khuyến cáo người nuôi tuân thủ lịch thời vụ, giãn cách nuôi rải vụ theo hình thức nuôi sang không thả nuôi đồng loạt tránh rủi ro nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản toàn diện ở 03 vùng nước mặn, lợ và ngọt, đa dạng hóa đối tượng nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao, sản xuất theo hướng an toàn dịch bệnh và sản xuất thủy sản sạch. Quản lý tốt tôm giống, hình thành và phát triển nuôi tôm theo hướng thâm canh mật độ cao, nuôi 02 giai đoạn ở những nơi có đủ điều kiện sản xuất, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát môi trường, dịch bệnh, tranh thủ các nguồn lực xây dựng Trung tâm dịch vụ hỗ trợ nông dân. Đến năm 2025, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 72.000 tấn, trong đó nuôi thủy sản đạt 39.000 tấn.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Với những tiện ích, như tích hợp được nhiều thông tin, thay thế nhiều loại giấy tờ, thao tác nhanh chóng, đơn giản, ứng dụng VNeID đang ngày một trở nên gần gũi, thiết yếu với đời sống của người dân. Nhất là, khi Bộ Công an triển khai việc tố giác tin báo về tội phạm qua ứng dụng VNeID thì đây còn trở thành một “kênh” tố giác tội phạm tiện ích.