18/05/2022 08:57
Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng trao quyết định thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội.
Sáng 17/5, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố và ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam với 27 thành viên Ban chấp hành. Thay mặt Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đã trao quyết định thành lập cho ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng nêu rõ: Hiệp hội Blockchain Việt Nam được Bộ Nội vụ cho phép thành lập là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, không vụ lợi của công dân, tổ chức Việt Nam quan tâm đến nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, chuẩn hóa, phát triển ứng dụng công nghệ blockchain ở Việt Nam. “Hiệp hội ra đời sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm đến công nghệ chuỗi khối hoạt động hiệu quả hơn, ứng dụng rộng rãi hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội” - ông Thắng cho hay.
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, blockchain đang là một xu hướng công nghệ đột phá được sự quan tâm của chính phủ nhiều quốc gia, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp. Với tiềm năng to lớn của công nghệ blockchain, số doanh nghiệp, nhà khoa học, các kỹ sư theo đuổi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu kết nối, chia sẻ và hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, sư ra đời của Hiệp hội Blockchain Việt Nam là hết sức cần thiết và rất có ý nghĩa.
Trong số top 200 công ty hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có khoảng 7 doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. Những kỳ lân công nghệ Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường blockchain toàn cầu. |
Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ mong muốn Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp, hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan khác trong xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Đồng thời, ông khẳng định Bộ sẽ xem xét, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ chuỗi khối.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết công nghệ blockchain là một cơ sở dữ liệu đặc biệt để tạo ra bản ghi nhớ chính xác, không thể chối bỏ về lịch sử và nội dung giao dịch có liên quan, đang được khẳng định trên thế giới. Do vậy, công nghệ này là một bộ phận hết sức quan trọng và đặc biệt có ý nghĩa trong nội dung của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Phát minh ra công nghệ chuỗi khối ngay lập tức đã được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các ngành phát triển kinh tế-xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Sự thành lập Hiệp hội đánh dấu một giai đoạn mới chính thức ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại này vào các ngành kinh tế của Việt Nam” - ông Huây nhấn mạnh.
Thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam
Hiệp hội Blockchain Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 343/QĐ-BNV được Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 27/4/2022, trở thành tổ chức có pháp nhân chính thức đầu tiên quy tụ những người đam mê nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Đại hội lần thứ I của Hiệp hội diễn ra ngày 16/5 đã đánh dấu sự thành lập của Hiệp hội, công bố ban chấp hành chính thức, tôn chỉ và phương hướng hoạt động của Hiệp hội. Trong đó, trọng tâm là chuỗi chương trình hành động ứng dụng blockchain về mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số, sớm đưa Việt Nam ngang tầm quốc tế về kinh tế số và sẽ bắt đầu từ chương trình hành động thiết thực: nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ blockchain trong mọi mặt đời sống kinh tế.
Như vậy, Hiệp hội Blockchain Việt Nam trở thành cầu nối có tính pháp nhân duy nhất giữa Cộng đồng Blockchain Việt Nam với các cơ quan, ban ngành Nhà nước nhằm xây dựng khung pháp lý cho ngành công nghệ Blockchain Việt Nam hướng đến mục tiêu quốc gia kỹ thuật số - kinh tế số. Đồng thời, Hiệp hội sẽ là nơi hội tụ của những người quan tâm đến nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, chuẩn hóa và khuyến khích ứng dụng công nghệ Blockchain ở Việt Nam.
Hiệp hội sẽ thực hiện những nhiệm vụ như: cùng với các thành viên mở rộng quan hệ với các tổ chức, cộng đồng blockchain trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, triển khai, kinh doanh công nghệ blockchain theo quy định của pháp luật Việt Nam; thu hút đầu tư cho hoạt động của ngành blockchain, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.
Lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam và các đơn vị đối tác.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự du nhập và phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain. Khi số doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và kỹ sư theo đuổi công nghệ blockchain ngày càng tăng cao, nhu cầu kết nối, hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ cũng ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, một tổ chức chính thức có đầy đủ pháp nhân để đáp ứng tốc độ mở rộng và mục tiêu phát triển vững mạnh của cộng đồng blockchain Việt Nam là hết sức cần thiết.
Tại hội nghị, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội đã thông tin về đường hướng và mục tiêu hoạt động của Hiệp hội, với 6 mục tiêu chiến lược gồm: phát triển hội viên, xây dựng các tiêu chuẩn hội viên, hợp tác thúc đẩy ứng dụng, thúc đẩy phổ biến kiến thức, tham gia các ý kiến về chính sách, hợp tác quốc tế.
Trong khuôn khổ sự kiện, Chương trình hành động ứng dụng blockchain về mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế số cũng đã được khởi động, với hoạt động ý nghĩa đầu tiên của chương trình là lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam và các đơn vị đối tác.
Năm 2021 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ blockchain trên toàn thế giới với sự tham gia của những công ty lớn, thay vì chỉ có các startup như trước. Là quốc gia có hạ tầng blockchain tốt nhất Đông Nam Á, Việt Nam đã trở thành điểm sáng và được kỳ vọng sớm trở thành quốc gia tiên phong trong ngành công nghệ blockchain toàn cầu. Công nghệ blockchain ngày càng khẳng định vai trò trọng yếu cho phát triển kinh tế số. Việc kích hoạt và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển công nghệ này sẽ tạo đà cho Việt Nam bứt tốc phát triển trong bối cảnh số hóa. |
Theo nhandan.vn
Tương lai của Internet tại Việt Nam sẽ hứa hẹn nhiều đột phá khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.