29/09/2023 13:48
Sau hơn 04 tháng phát động, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được 69 hồ sơ đề cử của 38 cơ quan, đơn vị, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong cả nước và đại sứ quán Việt Nam, hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đánh giá từ Ban Tổ chức, năm nay, chất lượng hồ sơ đăng ký tham gia tốt, các gương mặt được đề cử có nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều cá nhân có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, có nhiều công bố quốc tế chất lượng cao thuộc danh mục Q1, nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế.
Trao Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng năm 2022.
Sau khi có kết quả sơ tuyển, ngày 30/8, Hội đồng Giải thưởng đã họp phiên thứ nhất, xem xét kỹ từng hồ sơ và tiến hành thảo luận, đánh giá từng cá nhân theo lĩnh vực, bỏ phiếu chọn ra 18 ứng viên xuất sắc nhất, đồng thời công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngày 19/9, Hội đồng họp phiên thứ hai thảo luận, bỏ phiếu và thống nhất đề xuất các cá nhân xuất sắc tiêu biểu.
Căn cứ quy chế và đề xuất của Hội đồng Giải thưởng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023 cho 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất.
Lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa có 03 gương mặt nhận giải, gồm: Tiến sĩ Trịnh Văn Chiến, 34 tuổi, giảng viên, Trưởng phòng Thí nghiệm nghiên cứu mạng máy tính và Công nghệ truyền thông thế hệ mới, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu, 31 tuổi, giảng viên Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, Trường Đại học VinUni. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, 33 tuổi, giảng viên Đại học Adelaide, bang Nam Australia.
Trong lĩnh vực công nghệ y - dược, các nhà khoa học trẻ được trao giải gồm: Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quốc Duy, 34 tuổi, Phó trưởng Khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K. Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương, 34 tuổi, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Hoàng Kim Tú, 35 tuổi, nghiên cứu viên Trung tâm Y Sinh học phân tử, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Lĩnh vực công nghệ môi trường có hai cá nhân đoạt giải, gồm: Tiến sĩ Lê Đình Anh, 34 tuổi, giảng viên Viện Công nghệ hàng không vũ trụ, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiến sĩ Ngô Ngọc Hải, 32 tuổi, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu hệ Gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Lĩnh vực công nghệ vật liệu mới có hai nhà khoa học: Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thùy Linh, 33 tuổi, Trưởng nhóm nghiên cứu Vật liệu hóa sinh và môi trường, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Trọng Phước, 35 tuổi, giảng viên cao cấp khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ.
Lĩnh vực công nghệ sinh học năm nay Hội đồng không đề cử do hồ sơ các ứng viên chưa tiêu biểu.
Từ năm 2003, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng nhằm phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ Việt Nam (không quá 35 tuổi tính đến năm xét trao giải) đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước, có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Giải thưởng nhằm góp phần thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Giải thưởng được trao hằng năm, mỗi năm có tối đa 10 cá nhân được nhận Giải thưởng thuộc 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; công nghệ y - dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường; công nghệ vật liệu mới.
Theo qdnd.vn
Cuộc thi an ninh mạng ASEAN Cyber Shield, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam, được tổ chức với 02 hạng mục cho những đội tuyển IT của các nước trong khu vực thi đấu.