23/05/2022 06:33
Sản phẩm là hệ thống phần mềm hoạt động dựa trên một thuật toán blockchain, mã hóa một mã ID tạo ra "chữ ký" duy nhất của nhà sản xuất giúp xác thực hàng hóa đúng nguồn gốc, khiến hành vi làm hàng giả trở nên bất khả thi.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Đại học bách khoa TP HCM (ĐHQG TP HCM), trưởng nhóm nghiên cứu, trên thị trường không chỉ sản phẩm xa xỉ bị mạo danh, nhiều mặt hàng thiết yếu như dược phẩm, thực phẩm, nước uống, phần mềm máy tính, thời trang, hàng điện tử cũng bị làm giả, làm nhái. Những hoạt động phi pháp này ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của các doanh nghiệp, tổn hại sức khỏe và tài sản của hàng triệu người tiêu dùng hàng năm trên thế giới. "Chính vì lý do này nhóm nghiên cứu công nghệ chống hàng giả bằng thuật toán chuỗi khối (blockchain)", ông nói.
Deep Signature được phát triển từ ý tưởng của phó giáo sư người Việt cùng cộng sự là nhóm chuyên gia trong lĩnh vực blockchain và công nghiệp sản xuất, gồm TS Jiong Sun (Mỹ) chuyên gia lập trình blockchain, kiến trúc sư phần mềm; chuyên gia phát triển ví blockchain, ứng dụng di động Liam Alford (Anh) và chuyên gia bảo mật hệ thống Umut Duman (Nga).
PGS Quân cho biết thuật toán dựa trên việc thông tin mã hóa trên blockchain không thể bị thay đổi hay can thiệp để tạo ra môi trường minh bạch cho xác thực nhưng vẫn bảo mật dữ liệu gốc nhờ mã hóa một chiều. "Chỉ khi mã sản phẩm được xác thực khớp với địa chỉ ví blockchain của nhà sản xuất, mã sản phẩm mới đích thực là đúng do nhà sản xuất phát hành", PGS Quân mô tả.
PGS.TS Nguyễn Đình Quân (trung tâm) cùng thành viên phát triển dự án Deep Signature.
Hệ thống Deep Signature bao gồm máy chủ backend xử lý dữ liệu cũng như thực hiện các lệnh mã hóa, và hai phần mềm frontend (app) trên di động (sử dụng trên cả hệ điều hành Android và iOS). Hệ thống này liên kết với một mạng blockchain phi tập trung cao để đảm bảo tính bảo mật và an toàn.
Phía nhà sản xuất dùng ứng dụng Deep Signature Admin để mã hóa hàng loạt các mã ID sản phẩm, tạo danh mục với thông tin và hình ảnh sản phẩm muốn gửi đến người tiêu dùng, sau đó kích hoạt mã bằng việc ghi lên blockchain. Mỗi mã ID sẽ đại diện cho một món hàng được bán, bảo mật trong bao bì đựng mà chỉ có người tiêu dùng đầu tiên sở hữu món hàng lấy ra được để xác thực khi mở hàng.
Trong khi đó, phần mềm Deep Signature Verify sẽ dành cho người tiêu dùng - giúp xác nhận mã ID sản phẩm có đúng là đã được nhà sản xuất kích hoạt hay không. Khi quét mã, hệ thống sẽ tự động trả kết quả về nguồn gốc: Nếu mã ID được xác nhận là được chính nhà sản xuất kích hoạt và được xác nhận lần đầu thì món hàng là hàng thật. Ngược lại, nếu kết quả xác thực cho biết mã ID không phải do nhà sản xuất kích hoạt, mã hóa, thì món hàng chắc chắn là giả.
Ngoài ra, nếu mã ID đúng là của nhà sản xuất phát hành (kích hoạt), nhưng đã được xác thực trước đó bởi ai đó thì nghĩa là hàng đã bị can thiệp hoặc là hàng giả nhưng sao chép lại mã hàng thật đã xác thực rồi.
Theo PGS Quân, nhờ sử dụng cơ chế "xác thực một lần" nghĩa là việc xác thực mã ID chỉ hiệu quả một lần duy nhất sẽ giúp loại bỏ khả năng bị sao chép để in nhái trên hàng giả. Để thuận tiện cho phía nhà sản xuất, mỗi sản phẩm không nhất thiết phải tạo một mã đặc biệt riêng mà chỉ cần một mã ID là duy nhất, vì thế có thể tận dụng ngay các mã bất kì có sẵn như số seri, mã vạch sản xuất, hoặc thậm chí dùng Deep Signature để kích hoạt mã chống hàng giả của một công nghệ nào đó mà nhà sản xuất đang dùng, để tăng thêm lớp an ninh blockchain cho sản phẩm.
Ông cho biết thêm, trong lĩnh vực chống hàng giả, công nghệ token không thể thay thế (NFT) được xem là có thể ứng dụng đa dạng, nhưng cho đến nay vẫn chủ yếu chỉ sử dụng trong lĩnh vực game, thế giới thực tại ảo, hoặc áp dụng cho các thực thể đã số hóa. Deep Signature cũng có những tính năng tương tự NFT, nhưng hệ thống đã sáng tạo ra cơ chế "xác thực một lần" chống việc sao chép lại mã ID của hàng thật để gắn lên hàng giả.
"Việc làm hàng giả số lượng lớn là tuyệt đối không khả thi", ông nói. Hệ thống này có thể được phát triển ứng dụng trong thương mại, phân phối, công nghiệp sản xuất, y tế, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm.
Deep Signature còn có thể mở rộng ra các ứng dụng khác như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chữ ký điện tử, tem bảo hành, bằng cấp chứng thực trên blockchain, các loại vé máy bay, bảo hiểm...
Với mức chi phí thấp, công nghệ này dự tính sẽ chỉ trong khoảng 200-300 đồng/mã sản phẩm (rẻ hơn hàng chục lần so với các tem chống hàng giả điện tử SMS hiện nay trên thị trường). Phía nhóm sẽ miễn phí hoàn toàn cho những công ty muốn thử nghiệm và đồng hành cùng nhóm startup trong năm đầu tiên.
Hiện công nghệ chống hàng giả bằng blockchain đã đăng ký bằng sáng chế Mỹ. Giải pháp được nhóm kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một thị trường tiêu dùng lành mạnh, minh bạch, không chỉ trong mà cả ngoài nước.
PGS. TS Nguyễn Minh Vỹ, giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam cho biết, từ nhiều năm trước, trung tâm đã có ý kiến với PGS.TS Nguyễn Đình Quân cố gắng phát triển một công nghệ chống hàng giả hiện đại có thể ứng dụng rộng rãi một cách tiện ích, dễ dàng cho doanh nghiệp. "Chúng tôi hết sức vui mừng khi anh Quân và các cộng sự đã thực hiện được điều này. Hiện dự án Deep Signature là đối tác chiến lược của trung tâm và tin tưởng công nghệ mới sẽ góp sức tích cực cho mặt trận làm minh bạch và công bằng thị trường hàng hóa", ông nói.
ThS Lê Hoàng Thịnh, thành viên ban giám đốc quỹ đầu tư Vanda Capital chuyên tìm kiếm các dự án blockchain tiềm năng, đánh giá Deep Signature là một trong những dự án blockchain ít ỏi hiện nay hướng đến ứng dụng công nghệ đột phá này vào thực tế sản xuất. Ông mong muốn những dự án này cần được tạo điều kiện để phát triển.
Chia sẻ về dự định sắp tới, PGS Quân cho biết dự án đang hợp tác triển khai thử nghiệm trên một vài dòng sản phẩm với công ty mỹ phẩm Seoul Group Việt Nam và H&H Eco. Trong tương lai gần, nhóm mong muốn biến một ý tưởng nữa thành sản phẩm là công nghệ cấp bằng đại học trên blockchain, cũng khai thác thuật toán Deep Signature.
Tại Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 do VnExpress tổ chức, Ban giám khảo đánh giá cao khả năng ứng dụng và thương mại hóa của dự án. Ông David Nguyen - Chủ tịch Ban Cố vấn Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam tại Australia, trưởng ban công nghệ mới thuộc Hội đồng Doanh nghiệp Australia- Việt Nam, thành viên ban giám khảo gợi ý, nhóm nghiên cứu tập trung sớm đưa sản phẩm ra thị trường để tận dụng tệp khách hàng cũng như cạnh tranh với tốc độ phát triển các công nghệ hiện nay.
Là mùa đầu tiên, giải thưởng Sáng kiến khoa học 2022 thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trẻ chuyên và không chuyên với kỳ vọng truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. Giải thưởng vinh danh những sáng kiến có tính ứng dụng cao, giải pháp có tác động sâu, rộng tới các khía cạnh kinh tế, tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống.
Cuộc thi trao 1 giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng. Toàn bộ tiền giải thưởng do quỹ Hope (Hy vọng) tài trợ. Đây là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không lợi nhuận, được vận hành bởi Báo điện tửVnExpressvà Công ty cổ phần FPT. Quỹ theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Một trong các hoạt động của quỹ là thúc đẩy ứng dụng công nghệ, trang bị công cụ phát triển bền vững cho các cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là trang bị tri thức thông qua giáo dục.
Theo vnexpress.net
Tương lai của Internet tại Việt Nam sẽ hứa hẹn nhiều đột phá khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.