07/07/2022 11:08
Việc ký kết hợp tác giữa CTCP Điện Quang và CTCP Công nghệ Xelex đã mở ra nhiều kỳ vọng cho tương lai ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông 5G Việt Nam. Qua đó, tạo ra các sản phẩm mới mang tính đột phá về công nghệ và bảo mật, hạn chế sự phụ thuộc của ngành điện - điện tử Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài.
Quang cảnh hội thảo.
Trong khuôn khổ chương trình, còn diễn ra ký kết hợp tác phát triển các dòng máy tính xách tay trên nền tảng Qualcomm Snapdragon và thiết bị 5G router “Make in Vietnam” giữa CTCP Công nghệ Xelex và Tập đoàn Qualcomm. Thông qua ký kết, các máy tính xách tay được thiết kế bởi người Việt Nam trên nền tảng chip snapdragon của Qualcomm. Bên cạnh đó, CTCP nghệ Xelex còn ký kết với Công ty TNHH Giải pháp tổng thể Logistics để hợp tác triển khai kết hợp giữa thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm bảo mật cao cấp.
Dịp này, CTCP Điện Quang và CTCP Công nghệ Xelex cũng phối hợp tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông “Make in Vietnam”. Các chuyên gia cùng tham gia thảo luận, trao đổi về thực trạng ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông của Việt Nam, từ đó đề xuất phương thức phát triển đúng hướng, đồng bộ và bền vững cho ngành.
Các chuyên gia nhận định cơ hội của ngành này tại Việt Nam là có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Trung ương đến địa phương trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh trong các hoạt động sản xuất và đời sống, cùng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Hội đồng Phát triển ngành công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông nhằm thúc đẩy phát triển ngành. Ngoài ra, xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung của các tập đoàn toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra và là cơ hội lớn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều thách thức lớn đang đặt ra cho ngành là Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu do thiếu các đơn vị sản xuất, hoặc đủ năng lực sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Ngoài ra, chưa làm chủ được công nghệ do thiếu năng lực thiết kế, bị đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh… Do vậy, để phát triển ngành cần kết nối chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chuẩn quốc tế. Cùng với đó, phát huy vai trò đào tạo nhân lực của nhà trường, kết nối viện - trường với doanh nghiệp trong nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng...
Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Điện Quang nhận định: "Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần tự chủ được công nghệ và một phần vật liệu để có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Qua đó, bảo đảm nguồn cung nội địa, hướng đến tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là yêu cầu cấp thiết để các đơn vị, doanh nghiệp hợp tác với nhau để đẩy mạnh nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông “Make in Vietnam”.
Ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Công nghệ Xelex nhấn mạnh: “Sự thành công của nền công nghiệp điện tử của Việt Nam không những đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư ban đầu lớn mà cần đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng. Sự đồng lòng, chung tay góp sức của các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của ngành điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông của nước ta trong giai đoạn tới”.
Theo qdnd.vn
Ngày 26/11, Vòng Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia Techfest Việt Nam 2024 đã diễn ra tại thành phố Hải Phòng. Đội thi YEAST ERA xuất sắc giành ngôi vị cao nhất với công nghệ lên men sinh khối.