14/02/2024 19:10
Tháng 10/2023, hai cựu kỹ sư của Google là Huy Nguyễn và Nam Đỗ sáng lập ra Phygital Labs nhằm thúc đẩy sự phát triển của vật lý số ở Việt Nam, với sản phẩm lõi của công ty là Nomion - Định danh số vạn vật. Đây là giải pháp toàn diện, tạo ra một danh tính số duy nhất cho mỗi sản phẩm vật lý bằng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification - Nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và Blockchain (công nghệ chuỗi khối), đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và số.
Là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng vật lý số vào bảo tồn, phát triển Văn hóa Việt, từ khi ra mắt, công ty này đã đồng hành cùng nhiều đơn vị, đối tác, ban ngành để đưa công nghệ của mình vào các sản phẩm văn hoá như: Ký kết hợp tác với Trung tâm Thông tin UNESCO xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá Việt”, thúc đẩy chuyển đổi số với cùng Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng để định danh các tác phẩm điêu khắc của Làng đá Non Nước, đồng hành cùng Bảo tàng di tích Cố Đô Huế, Văn Miếu Quốc Tử Giám, cùng Báo Nhân Dân gắn chip, định danh sản phẩm OCOP, thí điểm làm thương hiệu Gốm Đức Tân…
Trong năm 2023, giải pháp của công ty đã giúp định danh, số hóa sản phẩm vật lý thành tài sản số, đồng thời là cánh cổng mở ra kho tàng tri thức vô tận, khẳng định những giá trị độc bản của các sản phẩm văn hóa.
Với Làng đá Mỹ Nghệ Non Nước Đà Nẵng, Phygital Labs đã tiến hành định danh 10 sản phẩm điêu khắc tại hội thi Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước lần thứ 01. Hiện nay, 10 tác phẩm đang được triển lãm đồng thời trên không gian vật lý và không gian số, khách tham quan chỉ cần tương tác đơn giản với tác phẩm đá để khám phá câu chuyện về tác phẩm, tác giả và làng nghề truyền thống.
Ông Nam Đỗ, Đồng sáng lập của Phygital Labs trình bày quá trình số hoá một sản phẩm văn hoá bằng công nghệ Nomion.
Công ty cũng đồng hành cùng Báo Nhân Dân trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, qua việc tiến hành thí điểm gắn chip định danh cho sản phẩm OCOP 05 sao đầu tiên - Gốm men Suối ngọc của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh tại Bát Tràng, Hà Nội. Sản phẩm bình gốm được gắn chip định danh của Nghệ nhân ưu Tú Trần Đức Tân đã được Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan lựa chọn để làm quà tặng của ngành nông nghiệp cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân Hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Đặc biệt, Phygital Labs đã phối hợp cùng Trung tâm Thông tin Unesco, Văn Miếu Quốc Tử Giám triển khai dự án Tầm Chân, nhằm ứng dụng công nghệ Vật lý số nâng tầm giá trị di sản. Những chuyển động đầu tiên của dự án này là Phygital Hoàn thành gắn chip 300 Nghê đồng Văn Miếu từ nguyên mẫu Nghê chầu trên cột tứ trụ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng như ra mắt thành công sách vật lý số “Nghê nơi cửa Khổng sân Trình” của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế.
Theo đó, bằng việc dùng smartphone tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê Văn Miếu, là vật phẩm được đúc bằng đồng thau, theo nguyên mẫu của Nghê đang chầu trên cột tứ trụ của Văn Miếu Quốc Tử Giám, người tương tác sẽ được trải nghiệm sách vật lý số đầu tiên tại Việt Nam, mở ra thế giới tri thức phong phú, là sự kết nối quá khứ với hiện tại trong không gian số sinh động, gia tăng tính trải nghiệm, thể hiện tính độc bản nên nội dung sách này chỉ truy cập được khi tương tác với chip RFID gắn trên tượng Nghê Văn Miếu.
Ông Huy Nguyễn, Đồng sáng lập kiêm CEO của Phygital Labs chia sẻ, Việt Nam hiện có vô số làng nghề, vô số tác phẩm, tài sản, sản phẩm rất giá trị mà vì sự hữu hạn của không gian, thời gian, những câu chuyện chưa được kể hoặc chưa được kể đầy đủ. Ngay cả khi đã được kể đầy đủ, các câu chuyện không được gắn kết chặt chẽ với sản phẩm vật lý, khó được lan tỏa rộng rãi và gia tăng giá trị. Chính vì thế ông Huy Nguyễn đặt mục tiêu: “Sứ mệnh của Phygital Labs hiện giờ là dùng công nghệ tiên phong lan tỏa được văn hóa, sản phẩm của Việt Nam và kể một cách tự hào về chất lượng sản phẩm, tinh hoa làng nghề và tài năng của những người nghệ nhân Việt ra toàn cầu”.
Để phát triển câu chuyện về một Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa, hơn nữa là nâng tầm giá trị văn hóa Việt, theo ông Huy Nguyễn, cần phải có nhiều sản phẩm của Việt Nam trên không gian vật lý số. Trong năm 2024 Phygital Labs sẽ tập trung phát huy tối đa tính ứng dụng của công nghệ mới tại thị trường Việt Nam. Dùng giải pháp Nomion để đưa ngày càng nhiều sản phẩm vật lý ở các ngành nghề truyền thống, văn hóa, di sản... thành tài sản số.
Theo báo cáo của Google, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 02 năm liên tiếp, vào khoảng 20%/năm, gấp 03 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy vậy, theo báo cáo “State of Phygital 2022” của Leta Capital, dù phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ qua nhưng nền kinh tế kỹ thuật số vẫn chiếm chưa đến 06% tổng nền kinh tế toàn cầu, phần lớn thị phần còn lại vẫn thuộc về thế giới vật lý. “Ước tính với sự đóng góp của vật lý số trong vòng 15 - 25 năm tới, kinh tế kỹ thuật số sẽ đóng góp 50% GDP toàn cầu với quy mô từ 100 đến 200 nghìn tỷ USD”.
Như vậy kinh tế số ở Việt Nam đầy cơ hội nhưng muốn đi chung với sự phát triển của thể giới, Việt Nam cần có tiêu chuẩn chung cho các quy cách về chuyển đổi số cho nhóm các sản phẩm vật lý có giá trị, cả vật chất lẫn văn hóa. Hay nói cách khác, những cơ chế pháp lý liên quan đến những công nghệ mới như blockchain, vật lý số nên được khuyến khích thử nghiệm và phát triển.
“Tôi rất mong Việt Nam sẽ sớm có các hướng dẫn và định nghĩa cụ thể về tài sản số, phân biệt rõ ràng với tài sản ảo; từ đó cung cấp cho người dân, cộng đồng những góc nhìn rõ ràng về công nghệ mới nói chung và vật lý số nói riêng để có thể đón đầu được làn sóng công nghệ mới này cũng như để nền kinh tế số có thêm một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng”, ông Huy Nguyễn chia sẻ.
Theo vietnamnet.vn
Chiều ngày 22/11, tại điểm cầu UBND tỉnh Trà Vinh, đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh năm 2024 nhằm đánh giá kết quả chuyển đổi số trên địa bàn.