21/07/2022 08:40
Xuất hiện tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chiều 19/7, GS Duncan Haldane (71 tuổi) cho biết đây là lần đầu tiên ông tới Việt Nam. Giáo sư của Đại học Princeton (Mỹ) cảm nhận rõ rệt về một đất nước năng động đang trên đà phát triển mạnh mẽ, những bạn trẻ Việt đầy đam mê nhiệt huyết. "Còn rất nhiều điều khoa học chưa khám phá được và chờ cơ hội để thế hệ trẻ thực hiện", ông nói.
GS Duncan Haldane tại buổi nói chuyện với các sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ ở Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) chiều 19/7
GS Haldane kết nối với các sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ thông qua bài giảng đại chúng có chủ đề "Vật chất lượng tử tô-pô, sự vướng víu và cuộc cách mạng lượng tử lần hai". Ông chia sẻ về việc sử dụng các khái niệm hình học tô-pô để nghiên cứu các trạng thái khác thường của vật chất, bao gồm chất siêu dẫn, siêu lỏng hoặc màng mỏng từ tính, có thể ứng dụng trong điện tử, khoa học vật liệu và máy tính. Từ những phát hiện lý thuyết về biến đổi trạng thái topo, ông nhắc về hành trình khám phá ra bí ẩn của "vật chất lạ" - công trình tiên phong mở ra cánh cửa vào một thế giới chưa được biết đến, nơi vật chất có thể có những trạng thái mới và khác thường.
Xen giữa các lý thuyết vật chất lượng tử, GS Haldane khéo léo tiết lộ những chi tiết thú vị về con đường để trở thành một trong ba nhà khoa học danh tiếng nhận giải Nobel Vật lý 2016.
Ông kể, những năm đầu sự nghiệp giai đoạn năm 1981-1983, bản thân gặp rất nhiều khó khăn để xuất bản những bài báo công bố nghiên cứu. Thời điểm đó những công bố gây xôn xao và mọi người thậm chí cho rằng là sai và ngu ngốc. "Tôi còn nhớ một lần dự hội nghị khi chia sẻ kết quả có một số giáo sư giàu kinh nghiệm bảo điều đó thật sự là vớ vẩn", GS Haldane cười.
Nhưng với chứng minh bằng kết quả thực nghiệm, ông đã kiên trì tìm cách giải thích và thuyết phục mọi người bắt đầu chấp nhận. Công trình đột phá của Haldane được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1983, điều sau này đã tạo nên danh tiếng của ông. Năm 1993, nghiên cứu được vinh danh và nhận giải thưởng của Hiệp hội Vật lý Mỹ cho "công trình lý thuyết, thực nghiệm xuất sắc".
"Ranh giới giữa một tài năng xuất chúng và cậu ngốc trong nghiên cứu khoa học đôi khi chỉ là may mắn, và trong trường hợp này tôi đã thực sự may mắn", ông nói và mong các nhà khoa học trẻ hãy giữ niềm tin mình đã đi đúng hướng và kiên định bảo vệ nó.
Ông bảo làm khoa học không phải sáng sớm thức dậy trong mơ mộng mà phải đi theo con đường chưa từng có, chưa ai đi và thử xem "hòn đá nào có ngọc". "Không cần phải là thiên tài đặc biệt, cơ hội đến từ việc bạn dám đi ra khỏi con đường quen thuộc để tìm kiếm khám phá điều mới mẻ", ông nói đó là cách nhiều nhà khoa học đi theo.
Theo ông, làm khoa học sẽ bắt đầu bằng sự tò mò của mỗi người nhưng phát kiến ra gì đó lại là "tai nạn" trong nghiên cứu. Bởi vậy ông mong muốn các bạn trẻ phải có sự chuẩn bị và sẵn sàng đón nhận kết quả đôi khi không như chúng ta mong đợi.
GS Haldane cho hay, việc tìm kiếm ra điều gì đó đột phá thường là khi chúng ta còn trẻ. "Những ông già như chúng tôi sẽ có niềm tin chắc chắn vào điều được trải qua, được dạy và học nên rất khó chấp nhận thứ gì đó khác đi", GS giải thích. Ông bảo đây chính là trở ngại khiến một giáo sư khó chấp nhận việc sinh viên đang có một đột phá khác với những gì họ dạy.
Nhà khoa học Việt đủ trình độ để đi xa
Dù chưa làm việc nhiều với nhà khoa học Việt Nam, giáo sư cho biết thông qua chất lượng sinh viên, nghiên cứu sinh tại Mỹ, ông nhận thấy nhiều nhà nghiên cứu Việt có đủ điều kiện và trình độ để đi xa.
Ông đánh giá Việt Nam có hệ thống đào tạo đáng tin cậy và phải có "trình độ tốt mới có thể tạo nên được những con người như vậy".
Chia sẻ mô hình hướng đi của các đại học tại Mỹ, GS Haldane nói các nghiên cứu khởi nguồn từ sự tò mò, trí tưởng tượng mà không đặt nặng vấn đề ứng dụng. Ở Mỹ, các chương trình quốc gia hỗ trợ nghiên cứu đôi khi chỉ là thuần túy thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, đáp ứng tò mò của các nhà khoa học. "Tổ chức chính phủ, nhà nước đánh giá dự án dựa trên đánh giá của giới khoa học, chuyên gia chứ không phải quản lý thuần túy, giúp lựa chọn được các nghiên cứu nổi bật nhất", ông nói. Ông mong muốn các nhà khoa học trẻ tự tin, kiên định với lựa chọn và tạo đột phá trong nghiên cứu.
GS Duncan Haldane có dáng dấp dễ nhận thấy của một nhà khoa học. Ông không kể nhiều về bản thân, chỉ say sưa để "tác phẩm" của mình tự nói lên điều đó. "Giáo sư giảng vô cùng tâm huyết và sinh động, dễ tiếp cận. Thầy sử dụng cả ngôn ngữ cơ thể và có khiếu hài hước hơn em nghĩ", Đặng Vũ Minh Anh, 18 tuổi, chuyên Đại học Ngoại ngữ, chia sẻ với VnExpress.
Giáo sư Haldane sinh ra ở thành phố London, Anh. Ông nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học Cambridge và bắt đầu nghiên cứu của mình tại Institut Laue-Langevin ở Grenoble, Pháp, trước khi đến USC Dornsife năm 1981. Nghiên cứu đột phá về hiệu ứng tôpô được ông thực hiện phần lớn trong suốt 4 năm làm giảng viên tại USC. Năm 1990 ông làm việc tại trường Đại học Princeton và gắn bó cho đến nay.
Ông đến Việt Nam lần này để tham dự "Hội nghị Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện" tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định từ ngày 10 đến 16/7. Sau đó ông có bài giảng đại chúng về các tính chất tô-pô của vật liệu tại Quy Nhơn và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).
Theo vnexpress.net
Ngày 26/11, Vòng Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia Techfest Việt Nam 2024 đã diễn ra tại thành phố Hải Phòng. Đội thi YEAST ERA xuất sắc giành ngôi vị cao nhất với công nghệ lên men sinh khối.