14/10/2021 18:09
Cô Trần Hoa (giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội) cho biết: “Gần đây tôi liên tiếp phải đổi ID và mật khẩu lớp học, vì lớp học cũ có người lạ mặt xâm nhập vào. Dù họ chưa để lại hậu quả gì lớn nhưng lớp học cũ phải đóng lại”.
Tương tự, cô Minh Khuyên (giáo viên tiểu học) cũng cho hay, có lần đang hướng dẫn các con học ở lớp thì nền tảng zoom bị hack. Hacker đã nói năng tục tĩu, chửi bới tại lớp học khiến buổi học bị ảnh hưởng.
Theo một số giáo viên, có lần khi đang tham gia hội thảo trực tuyến của ngành với hơn 400 giáo viên, học sinh, các giảng viên đại học thì bị 01 nhóm gồm 03 người gửi tin nhắn chửi bậy vào nhóm, chia sẻ hình ảnh nhạy cảm. Quản lý sự kiện đã phải tạm dừng sự kiện, khóa mục chat sau đó mới tiếp tục hoạt động. “Nhiều người sốc luôn vì ngôn ngữ, hình ảnh bọn chúng chia sẻ”- một giáo viên cho biết.
Tìm hiểu cho thấy, trên mạng xã hội đang xuất hiện một số nhóm kín chia sẻ ID, mật khẩu của các lớp học, các cuộc họp qua nền tảng zoom. Nhóm này tìm cách lấy thông tin lớp học qua việc chiếm tài khoản Facebook, kết bạn với một số người trên mạng rồi khai thác thông tin.
Thông tin bọn chúng trao đổi với nhau rất công khai như: “Sáng nay tôi rảnh quá, không có việc gì làm nên anh em cho tôi vài kèo tôi phá zoom cho vui”; “Nay tôi muốn phá nát zoom từ 8h30-9h, ai có thông tin chia sẻ cho tôi”… Thậm chí có nhóm còn trao đổi, thống nhất cách khai báo nếu bị cơ quan công an phát hiện, mời lên làm việc.
Hội họp, học hành qua nền tảng trực tuyến như: Zoom, Google Meet… đang được sử dụng rất nhiều, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Việc các nền tảng này bị tấn công không chỉ khiến nguy cơ lộ lọt thông tin mà còn gây ảnh hưởng đến hoạt động học tập, hội họp, đến tâm lý của người tham gia.
Trên trang cá nhân, chuyên gia an toàn thông tin Ngô Minh Hiếu – Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng Quốc gia (Bộ TT-TT) cảnh báo về tình trạng này. Các đối tượng xấu sau khi xâm nhập có thể chia sẻ thông tin, gửi link độc hại để thu hút học sinh, đồng thời lấy cắp thông tin, tuồn ra ngoài và bán dữ liệu về trường học.
Để tránh các rủi ro này, chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo: "Người dùng nên sử dụng các nền tảng được bảo mật cao. Đối với các nền tảng hay dùng như Zoom, Goole Meet, Miscrosoft Teams thì nên thực hiện cài đặt, chỉ dành quyền cho người quản trị.
Ví dụ, sau khi đặt mật khẩu, cho người tham gia vào phòng chờ, và có người quản lý duyệt, người chủ trì nên thực hiện mặc định các chế độ là chỉ người chủ trì được tự động bật video, bật âm thanh, chia sẻ màn hình.
Khi nào cho phép thì sẽ mở ra theo từng nick… Quan trọng là khi thấy đủ người thì nên khoá cuộc họp lại để không cho người lạ vào".
(Theo anninhthudo.vn)
Lần đầu tiên, một báo cáo tổng quan về Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam được công bố, nhằm cung cấp bức tranh tổng quan về hoạt động này thời gian qua.