18/10/2022 06:45
Các rạn san hô đang chết dần với tốc độ đáng báo động do tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS Biology, các nhà khoa học tại Đại học Hawaii cho biết họ đã sử dụng các mô hình biến đổi khí hậu toàn cầu và tiến hành so sánh các kịch bản có thể xảy ra do 05 yếu tố dự báo ảnh hưởng đến môi trường từ những năm 1950 của thế kỷ trước đến năm 2100. Các yếu tố này bao gồm nhiệt độ bề mặt nước biển, hiện tượng axit hóa đại dương, các cơn bão nhiệt đới, vấn đề sử dụng đất và dân số.
Các nhà khoa học dự báo đến năm 2055, có đến 99% hệ sinh thái rạn san hô trên thế giới sẽ phải đối mặt với các điều kiện sống không phù hợp. Dự báo này được đưa ra dựa trên ít nhất 01 trong 05 yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nêu trên. Theo các nhà khoa học, môi trường sống không phù hợp có thể khiến san hô chết và làm gián đoạn chuỗi thức ăn nuôi sống các sinh vật biển khác.
Trưởng nhóm nghiên cứu - bà Renee O. Setter cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với các rạn san hô nghiêm trọng hơn nhiều do sự kết hợp cả 05 yếu tố gây ra. Bà cảnh báo sẽ có rất nhiều rạn san hô trên thế giới sớm phải đối mặt với các điều kiện môi trường không phù hợp.
Hiện các nhà khoa học đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tiếp theo của công trình nghiên cứu, theo đó đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các loài san hô.
Theo TTXVN
Hai nhà khoa học Việt Nam được bầu là viện sĩ Viên Hàn lâm Khoa học Thế giới gồm Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai.