31/12/2022 07:15
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các đại biểu tham gia ấn nút kết nối cơ sở dữ liệu.
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an dự và phát biểu ý kiến. Tham dự còn có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cùng lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các các đơn vị trực thuộc hai Bộ.
Theo báo cáo, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành số hóa dữ liệu nền địa lý quốc gia và địa hình quốc gia ở các tỷ lệ 1:25.000, 1:100.000; 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 phủ trùm toàn quốc. Đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tính đến hết năm 2022 hoàn thành ở 309 trên 705 huyện, với hơn 43 triệu thửa đất và đưa vào sử dụng thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai; thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 56 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kết nối giữa cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Trong đó đã kết nối chia sẻ 18 trường thông tin. Tính đến nay, đã cơ bản kết nối đạt 56 tỉnh, thành phố; 309 đơn vị cấp huyện và 4.267 đơn vị cấp xã, với hơn 24 triệu thửa đất và số lượng kết nối đang tiếp tục tăng. Đáng chú ý, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tiếp nhận 14.620 yêu cầu tra cứu xác thực qua nền tảng tích hợp, kết nối dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Về vận hành hệ thống hồ sơ điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều hành, xử lý hồ sơ, ký số hoàn toàn trên môi trường mạng bảo đảm văn bản xử lý theo thời gian thực (không còn tồn tại tình trạng lấy số trước). Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử của Bộ đã xử lý, giải quyết 301.500 văn bản đến, 69.400 hồ sơ, văn bản đi; tỷ lệ văn bản điện tử gắn ký số đạt xấp xỉ 100%, với gần 10.000 người dùng, kết nối qua Trục liên thông văn bản quốc gia đến các đơn vị bộ, ngành, địa phương... Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai ứng dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiến tới thông minh hóa, hỗ trợ đắc lực các công tác hành chính thường xuyên của công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả, tăng năng xuất lao động, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc dựa vào công nghệ số...
Dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022-2026. Theo nội dung ký kết, hai Bộ sẽ trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý tài nguyên, môi trường theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai Bộ; tham gia xây dựng các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý; đấu tranh phòng, chống và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu...
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an cho rằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường là một bộ đa ngành, quản lý nhiều vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước như đất đai, môi trường, tài nguyên kinh tế biển, khoáng sản, khí hậu…, với sự nỗ lực của toàn ngành đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao.
Về công tác phối hợp giữa hai Bộ, Đại tướng Tô Lâm đề nghị hai bên cần tập trung phối hợp xây dựng những thể chế pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường nhằm tạo hành lang pháp lý để thời gian tới Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo tổ chức các nhiệm vụ liên quan đến tài nguyên và môi trường; tăng cường phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường tại các địa phương trên cả nước…
Đối việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: Đây là công việc không phải của hai Bộ, mà chúng ta cần xác định là phục vụ nhiệm vụ của quốc gia. Qua việc kết nối này, chắc chắn cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ tự làm giàu lên, tạo điều kiện cho công tác quản lý về dữ liệu quốc gia thuận lợi; tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và phục vụ tốt cho công tác quản lý theo chức năng của hai Bộ, cũng như phục vụ chung cho Nhà nước và Chính phủ trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, việc kết nối này sẽ tạo điều kiện cho hai Bộ, cũng như các cơ quan có liên quan tiếp tục tích cực hơn trong việc bảo vệ bí mật cơ sở dữ liệu khi cơ sở dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên của quốc gia; đồng thời thực hiện việc quản lý dữ liệu theo hướng minh bạch hơn, thông minh hơn, chặt chẽ, toàn diện hơn, đầy đủ hơn và đây là kênh rất quan trọng để phục vụ xã hội số, chuyển đổi số của đất nước… Qua đó, góp phần phục vụ cho nền kinh tế số, xã hội số, quốc gia số, công dân số ở nước ta thời gian tới.
Dịp này, Bộ trưởng Tô Lâm đã trao Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an cho 12 cá nhân thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường” của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 12 cá nhân thuộc Bộ Công an có nhiều thành tích, công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường.
Theo nhandan.vn
Hai nhà khoa học Việt Nam được bầu là viện sĩ Viên Hàn lâm Khoa học Thế giới gồm Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai.