31/10/2021 06:13
Với chủ đề “Bảo đảm An toàn không gian mạng trong kỷ nguyên số: Thách thức và lời giải”, sự kiện là diễn đàn thu nhận ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh nghiệm nâng cao năng lực ứng phó với các nguy cơ rủi ro an toàn, an ninh mạng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: An toàn thông tin mạng giờ đây là câu chuyện của mọi người. Việt Nam cần phải duy trì và tiếp tục cải thiện năng lực để bảo vệ sự thịnh vượng của quốc gia, tạo lập niềm tin số và triển khai an toàn thông tin mạng cho các tổ chức, cá nhân, người dân trên không gian mạng. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phổ cập Chiến dịch an toàn thông tin mạng cơ bản cho người dân, cung cấp ứng dụng, dịch vụ an toàn thông tin cơ bản trên nền tảng thiết bị di động.
Hiện nay, không gian mạng đang trở thành “ngôi làng” toàn cầu, xoá nhoà ranh giới địa lý, vùng miền, giữa các quốc gia. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả thế giới dịch chuyển các hoạt động từ xã hội thực lên không gian mạng. Việt Nam đang xếp hạng 25 toàn cầu về chỉ số an toàn thông tin mạng. Đây là kết quả nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan tổ chức, cá nhân. Để đảm bảo thứ hạng này cũng như phấn đấu xếp hạng 20, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới.
Trung bình, mỗi người Việt Nam sử dụng internet khoảng 7 tiếng mỗi ngày, dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ mất an toàn thông tin mạng sẽ cao hơn. Mỗi ngày trên thế giới có 900 cuộc tấn công mạng, phát hiện khoảng 40 điểm yếu lỗ hổng mới và cứ mỗi giây có tới 5 mã độc mới được sinh ra. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phát hiện hơn 1.550 trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam có tên miền “.vn” bị tin tặc tấn công, chèn các thông điệp của tin tặc, trong đó có hơn 400 trang thuộc quản lý của các cơ quan Nhà nước.
So với 6 tháng đầu năm 2020, số lượng các trang, cổng thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước bị tấn công tăng lên gấp đôi. Hàng chục nghìn địa chỉ IP của khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước bị nhiễm mã độc. Đặc biệt, việc mua bán, công khai thông tin về tài khoản ngân hàng, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, để lừa đảo, đánh cắp tiền từ tài khoản ngân hàng của người sử dụng… vẫn tiếp diễn.
Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống quan trọng của cơ quan trọng yếu như truyền thông, hàng không, năng lượng, y tế nhằm phá hoại, đánh cắp dữ liệu tiếp tục diễn ra, gây ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Các nhóm tin tặc tiếp tục lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để tấn công mạng bằng cách gửi thông tin, tài liệu giả mạo để phát tán mã độc.
Hướng tới mục tiêu giảm thiểu các rủi ro tấn công mạng trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “Chiến dịch an toàn thông tin mạng cơ bản cho người dân”, tập trung vào việc cung cấp những ứng dụng, dịch vụ an toàn thông tin cơ bản trên nền tảng thiết bị di động. Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông và Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã giới thiệu giải pháp đầu tiên trong chiến dịch.
Đó là ứng dụng ViSafe, giúp người dân nâng cao khả năng tự bảo vệ, an toàn trên không gian mạng. Trong thời gian tới, Cục An toàn thông tin sẽ phối hợp để phổ cập ứng dụng an toàn không gian mạng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trên không gian mạng, giúp cho người dùng internet ở Việt Nam có cơ hội thường xuyên tự bảo vệ mình và chung tay bảo vệ không gian mạng Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn không gian mạng Việt Nam 2021 sẽ diễn ra các hội thảo chuyển đề “Bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu trong thế giới số”; “Xu hướng và giải pháp an toàn thông tin mạng cho điện toán đám mây” và “An toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số”. Bên cạnh đó là triển lãm quốc tế ảo về các sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng thu hút hơn 20 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên thế giới tham gia.
(Theo baotintuc.vn)
Lần đầu tiên, một báo cáo tổng quan về Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam được công bố, nhằm cung cấp bức tranh tổng quan về hoạt động này thời gian qua.