13/05/2023 10:29
Sáng 11/5, tại trụ sở Bộ TT-TT đã diễn ra buổi họp sơ kết 3 năm triển khai Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam (Giải thưởng Make in Viet Nam). Đây là giải thưởng thường niên được Bộ TT-TT chủ trì tổ chức liên tục từ năm 2020 nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.
Bệ phóng của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT – TT) (Bộ TT-TT), cơ quan thường trực Giải thưởng, sau 03 năm tổ chức, Giải thưởng Make in Viet Nam đã được triển khai bài bản, công khai, minh bạch, đảm bảo chất lượng đề ra. Tính đến nay đã có tổng cộng 707 lượt hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng với 488 hồ sơ đạt tiêu chí.
Buổi họp sơ kết 03 năm triển khai Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.
Đánh giá về tác động của Giải thưởng, đại diện Cục Công nghiệp CNTT - TT cho hay, thông qua góc nhìn của doanh nghiệp, Giải thưởng Make in Viet Nam đã trở thành một thương hiệu uy tín mang tầm quốc gia trong lĩnh vực công nghệ số. Nhờ Giải thưởng Make in Viet Nam, thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp đạt giải được nâng cao, hình ảnh trở nên chuyên nghiệp, được quảng bá và lan tỏa nhanh hơn.
Nhiều sản phẩm đạt Giải thưởng Make in Viet Nam như Base.vn, Misa AMIS có tốc độ tăng trưởng lên đến 200-300%. Trong đó, Base.vn đã thu hút được nhà đầu tư với số lượng vốn lớn.
Tuy vậy, theo Cục Công nghiệp CNTT - TT, đến năm thứ 03 tổ chức, số lượng hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng Make in Viet Nam đã giảm đi so với năm đầu. Giải thưởng cũng chưa thực sự huy động được hết sự tham gia của các doanh nghiệp CNTT, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, dịch vụ.
Bên cạnh đó, lợi ích của doanh nghiệp đạt giải vẫn chưa thực sự rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không biết thông tin về giải hoặc ngại tham gia do tâm lý sợ chỉ có doanh nghiệp lớn mới có giải. Không chỉ vậy, kinh phí tổ chức Giải thưởng còn thấp nên khó tổ chức xứng tầm với một giải thưởng danh giá nhất của ngành CNTT Việt Nam.
Make in Viet Nam phải trở thành thương hiệu quốc gia
Thay mặt Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, đồng thời là Chủ tịch Vinasa khẳng định, giải thưởng của Bộ TT-TT có mức độ quan trọng cao hơn các giải thưởng của cấp hiệp hội.
“Quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm khó hơn thực hiện các dịch vụ CNTT rất nhiều. Vì vậy, tôi đề xuất có thể tôn vinh các sản phẩm Make in Viet Nam ngay từ quá trình phát triển sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Khoa nói.
Đại diện Vinasa cũng đề xuất Bộ TT-TT cần tạo điều kiện để kết nối các doanh nghiệp với đội ngũ chuyên gia quốc tế tư vấn, từ đó hỗ trợ đưa sản phẩm Make in Viet Nam ra toàn cầu. Bên cạnh đó, nên có giải thưởng, cơ chế khích lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý tưởng đột phá tham gia và vinh danh họ ở những hạng mục giải thưởng phù hợp.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Vinasa, ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud kỳ vọng trong những năm tới, Giải thưởng Make in Viet Nam sẽ tạo thêm những cảm xúc, niềm tự hào và thể hiện sự hữu dụng, ưu việt của sản phẩm đạt giải so với sản phẩm nước ngoài.
Ở góc nhìn của mình, ông Ngô Diên Hy, đại diện Tập đoàn VNPT mong muốn Ban tổ chức Giải thưởng Make in Viet Nam nhấn mạnh hơn nữa vào sự danh giá của giải thưởng. “Để làm điều đó, lễ trao giải cần có sự xuất hiện của nguyên thủ quốc gia, được truyền hình trực tiếp trên VTV1”, ông Hy nói.
Đóng góp thêm ý kiến, đại diện nền tảng bản đồ số IOTLink kiến nghị, bên cạnh giải thưởng, Bộ TT-TT có thể cung cấp thêm các đánh giá, chứng nhận để các cơ quan nhà nước yên tâm khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất việc liên kết các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng để tạo thành một hệ sinh thái cộng sinh, cùng nhau phát triển.
Kết luận buổi sơ kết, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao hoạt động của bộ phận thường trực Giải thưởng Make in Viet Nam trong 03 năm qua. “Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm sau cần được cố gắng tổ chức tốt hơn năm trước”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, cần phải giữ được thương hiệu Giải thưởng Make in Viet Nam. Make in Viet Nam phải gợi lên được sự tự hào, danh giá, phải trở thành thương hiệu quốc gia để các doanh nghiệp công nghệ Việt đi ra nước ngoài.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Ban tổ chức Giải thưởng Make in Viet Nam sẽ có những cân nhắc, điều chỉnh để Giải thưởng được tổ chức tốt hơn, lễ tôn vinh tạo được sự xúc động và đi vào lòng người hơn trong những năm tới.
Theo vietnamnet.vn
Với những tiện ích, như tích hợp được nhiều thông tin, thay thế nhiều loại giấy tờ, thao tác nhanh chóng, đơn giản, ứng dụng VNeID đang ngày một trở nên gần gũi, thiết yếu với đời sống của người dân. Nhất là, khi Bộ Công an triển khai việc tố giác tin báo về tội phạm qua ứng dụng VNeID thì đây còn trở thành một “kênh” tố giác tội phạm tiện ích.