18/03/2023 03:50
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi "Học sinh với an toàn thông tin" mùa thứ hai.
Ngày 17/3, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp cùng Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), và Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) phát động cuộc thi online “Học sinh với An toàn thông tin 2023”.
Đây là năm thứ 02 cuộc thi được tổ chức, dành cho các em học sinh THCS trên toàn quốc. Cuộc thi là một hoạt động thiết thực triển khai “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/6/2021.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Chủ tịch VNISA, Trưởng ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh, cùng với những lợi ích to lớn do Internet mang lại, những mối nguy hại đối với lứa tuổi học sinh cũng luôn hiện hữu trên môi trường mạng với nhiều hình thức khác nhau. Bởi vậy, hỗ trợ trẻ em học tập, giao tiếp, vui chơi hiệu quả, an toàn trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội.
“Đó cũng là lý do để chúng ta cùng tiếp tục chung tay tổ chức cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin năm nay. Cuộc thi cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo đối với trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, ông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, với mong muốn lan tỏa cuộc thi tới các trường, các em học sinh THCS trong cả nước, năm nay, ngoài việc đăng tải trên trang web của VNISA, phổ biến qua văn bản gửi tất cả các Sở GD&ĐT, các nội dung thông tin về “Học sinh với An toàn thông tin 2023” còn được giới thiệu qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Để tạo tạo điều kiện cho các em học sinh có thể tìm hiểu thông tin và có những trải nghiệm tốt hơn khi tham dự thi chính thức, từ ngày 24/02/2023 đến ngày 21/3/2023, Ban tổ chức mở hệ thống đăng ký và thi thử. Theo thống kê, tính đến sáng ngày 17/3, đã có 23.000 học sinh THCS của 360 trường trên cả nước đăng ký dự thi; trong đó đã có 13.000 học sinh tham gia thi thử, số học sinh hoàn thành bài thi là 12.000.
Thời gian thi chính thức của các thí sinh tham gia “Học sinh với An toàn thông tin 2023” kéo dài trong 03 tuần, từ ngày 15/3/2023 đến hết ngày 5/4/2023. Các thí sinh dự thi trực tuyến qua trang web thihsattt.vn của Ban tổ chức. Mỗi thí sinh chỉ đăng ký một tài khoản để dự thi (theo mẫu đăng ký trên website). Thí sinh chỉ được thi 01 lần và có thể tham gia thi vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian hệ thống thi chính thức mở.
Đề thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút. Nội dung đề thi là kiến thức phổ thông liên quan tới an toàn thông tin và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, từ vấn đề pháp lý, nhận diện các nguy cơ và các tình huống bảo đảm an toàn thông tin trên mạng.
Bà Trần Kim Phượng, Chánh văn phòng VNISA cho biết thêm, ngân hàng đề thi năm nay được xây dựng trên cơ sở chỉnh lý, bổ sung cơ sở dữ liệu đề thi năm 2022, với gần 300 câu hỏi mới. Ban tổ chức cuộc thi đã được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia thuộc các đơn vị phối hợp tổ chức và đã xây dựng được 1.018 câu hỏi trắc nghiệm trong cơ sở dữ liệu đề thi.
VNISA cũng đã nâng cấp, hoàn thiện phần mềm thi trực tuyến của cuộc thi. Các em học sinh sau khi đăng ký tài khoản, có thể tham gia thi thử để làm quen với dạng câu hỏi và cách làm bài thi.
Ban tổ chức đã thiết lập 04 kênh hỗ trợ thí sinh trong thời gian mở hệ thống thi, với thời gian hỗ trợ từ 8h đến 22h hàng ngày. Cụ thể, Ban tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ yêu cầu qua số điện thoại hotline 0981564086, qua tài khoản zalo 0981564086, qua Messenger m.me/childsafevietnam và qua email childsafe@vnisa.org.vn.
Trước đó, trong năm 2022, năm đầu tiên được tổ chức, cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” đã thu hút 592.810 thí sinh của 5.783 trường THCS thuộc 63 tỉnh, thành phố tham dự. Ban tổ chức kỳ vọng cuộc thi năm nay sẽ có số lượng học sinh tham gia gấp rưỡi năm ngoái.
Theo vietnamnet.vn
Thủ đoạn lừa cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản là 01 trong 03 chiêu lừa phổ biến tuần qua, vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo tới người dân.