06/05/2022 17:15
Việc các học sinh trung học và sinh viên đại học phải cố gắng thức khuya để hoàn thành các bài kiểm tra đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, cách học này không chỉ không đem lại lợi ích cho việc học tập mà còn khiến quá trình học tập bị cản trở.
Nhóm nghiên cứu tìm thấy các bằng chứng chứng minh, giấc ngủ làm tăng khả năng tiếp thu của con người đối với những gì mà họ đã được tiếp nhận trong khi còn thức. Tương đương với việc nếu thời gian ngủ càng dài thì não bộ sẽ có càng nhiều thời gian để xử lý những kiến thức và kỹ năng đã học được.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi sự hợp tác của các nhà khoa học Đến từ Đại học Brown và Trung tâm Khoa học Não Bộ RIKEN Nhật Bản. Kết quả cụ thể của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Thần Kinh.
Học tập sau khi thức giấc có thể giúp tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Nghiên cứu mới đánh giá sự tác động của giấc ngủ lên hiệu quả học tập
Theo Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Yuka Sasaki đến từ Trường Đại học Brown, giấc ngủ giúp quá trình học tập diễn ra thuận lợi hơn là điều chắc chắn. Nhưng hiện tượng này lại có thể được giải thích thông qua những mô hình đối lập với nhau, bao gồm mô hình phụ thuộc cách sử dụng và mô hình phụ thuộc học tập.
Trong đó mô hình phụ thuộc cách sử dụng quan niệm, việc não bộ của một người hoạt động lúc thức như thế nào sẽ quyết định khả năng học tập của người đó trong khi ngủ. Còn mô hình phụ thuộc học tập lại cho rằng, có mối liên kết trực tiếp giữa sự tiếp thu khi ngủ với một quá trình thần kinh cụ thể nào đó liên quan đến việc học.
Vì vậy, nhóm của bà đã tiến hành nghiên cứu mới này để xác định đâu là mô hình có thể hỗ trợ việc học tập hiệu quả nhất. Những tình nguyện viên tham gia (bao gồm cả nam và nữ) sẽ được phân chia ngẫu nhiên thành hai nhóm khác nhau trong quá trình nghiên cứu.
Cả hai nhóm tình nguyện viên đều sẽ phải trải qua quá trình học thông qua thị giác (VPL), hay còn gọi là nhiệm vụ phân biệt kết cấu (TDT). Quá trình học tập thông qua thị giác làm tăng cường khả năng hiểu của não bộ với những gì được quan sát thấy. Từ đó giúp hình thành kỹ năng nhận biết dựa vào hình ảnh quan sát được. Chẳng hạn có thể kể đến bao gồm khả năng phân biệt các vật thể với nhau, mối quan hệ của hình ảnh trong không gian, thứ tự hình của hình ảnh,...
Với những người trong nhóm thứ nhất, họ sẽ phải trải qua lần lượt 03 bài kiểm tra khác nhau. Bài kiểm tra thứ nhất và thứ hai sẽ lần lượt diễn ra trước và sau khi họ thực hiện nhiệm vụ TDT. Sau đó, họ được trải qua một giấc ngủ ngắn trong khoảng 90 phút cùng với một giấc ngủ trưa. Khi những người tham gia thức dậy sau giấc ngủ trưa cũng là lúc bài kiểm tra thứ 3 được tiến hành.
Trong khi đó, những người tham gia thuộc nhóm thứ hai chỉ cần thực hiện hai bài kiểm tra trước và sau khi ngủ giấc ngủ ngắn 90 phút. Đồng thời, để can thiệp được vào quá trình học tập thì các nhà nghiên cứu đã thay đổi cấu trúc thử nghiệm mà những người tham gia phải thực hiện.
Đâu là mô hình giấc ngủ giúp ích nhiều nhất cho học tập?
Kết quả phân tích cho thấy rằng, mô hình phụ thuộc học tập giúp việc học trở nên hiệu quả hơn so với mô hình phụ thuộc cách sử dụng.
Cụ thể, những người tham gia nghiên cứu thuộc nhóm thứ nhất có sự cải thiện khả năng tiếp thu nhiệm vụ VPL sau khi ngủ giấc ngắn 90 phút. Trong khi đó, do sự can thiệp vào quá trình đào tạo nên sự cải thiện này ở nhóm thứ hai là rất ít, không đáng kể.
Hơn nữa, các nhà khoa học cũng tiến hành kiểm tra điện não đồ của những người tham gia. Họ nhận thấy rằng, sóng theta trong giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh và sóng sigma trong giai đoạn ngủ không REM có liên quan đến quá trình phụ thuộc học tập.
Trong đó, sóng theta của giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh có liên quan đến trí nhớ học tập, làm việc, còn sóng sigma của giai đoạn giấc ngủ không REM thì liên quan đến sự củng cố trí nhớ dài hạn.
Cách thức học tập mới tiềm năng
Tiến sĩ Yuka Sasaki cho biết, nghiên cứu mới cho thấy học tập sau khi thức giấc khiến việc học trở nên hiệu quả và bền vững hơn. Kết quả này có thể làm thay đổi cách học tập trong trường học hiện nay.
Nhưng sẽ là một ý tưởng tồi nếu bắt học sinh phải ngủ trưa sau mỗi giờ học. Bởi điều này làm phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể của những đưa. Thay vào đó, thay đổi lịch học để trẻ được ngủ nhiều hơn vào ban đêm mới thực sự là điều tuyệt vời cần phải làm.
Còn theo Tiến sĩ Stella Panos đến từ Trung tâm Y tế Providence Saint John, kết quả của nghiên cứu cho thấy cần có một cách tiếp cận học tập khác so với các phương pháp truyền thống. Ví dụ như, các sinh viên đại học và học sinh trung học thường có thể thức khuya hoặc thậm chí suốt đêm để ôn thi. Nhưng rõ ràng, nghiên cứu đã chứng minh việc đi ngủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học và giúp củng cố kết quả học tập.
Ông giải thích thêm, mặc dù mối tương quan giữa giấc ngủ và sức khỏe đã được các bác sĩ lâm sàng biết đến từ lâu, tuy vậy sự ảnh hưởng của giấc ngủ lên trí nhớ vẫn là điều chưa thực sự rõ ràng. Nghiên cứu này giúp củng cố nhận thức về vai trò của giấc ngủ đối với học tập và trí nhớ. Từ đó bổ sung thêm kiến thức về mối quan hệ giữa giấc ngủ và trí nhớ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Yuka Sasaki cho rằng, nghiên cứu này mới chỉ chủ yếu tập trung vào phân tích khu vực thị giác trong giấc ngủ. Do đó chưa thể chắc chắn được tính khái quát hóa của kết quả trên với tất cả các loại hình học tập khác nhau. Bởi việc học tập thông qua thị giác sẽ liên quan đến vỏ não thị giác, còn học tập vận động sẽ liên quan đến vùng vỏ não vận động. Sự khác biệt trong mạng lưới neuron liên quan có thể dẫn tới những cơ chế tác động khác nhau.
Theo phunuvietnam.vn
Tương lai của Internet tại Việt Nam sẽ hứa hẹn nhiều đột phá khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.