02/01/2022 14:44
Ngô Ngọc Thảo Vân (thứ hai từ phải sang) nhận giấy khen từ Ban Tổ chức cuộc thi. Ảnh: TV
Trong đó, giải pháp “Máy chặt lục bình trên sông, kênh rạch” của tác giả Ngô Ngọc Thảo Vân, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Dương Háo Học, huyện Càng Long vinh dự là một trong 03 giải pháp đoạt giải Nhì cuộc thi.
Sinh ra ở vùng sông nước (xã Tân An, huyện Càng Long), từ nhỏ Thảo Vân đã không ít lần chứng kiến nhiều đám lục bình, cỏ trôi ùn ứ trên sông, kênh rạch, trên các tuyến kênh nội đồng gây cản trở dòng chảy, khó khăn cho các phương tiện lưu thông đường thủy. Cũng nhiều lần nhìn thấy các cô, chú, anh chị ĐVTN địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy hoặc phun thuốc để tiêu diệt lục bình lại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước.
Ý tưởng sáng tạo sản phẩm thân thiện với môi trường, cụ thể là sáng tạo ra một sản phẩm có thể giúp ích cho con người không phải lội nước để vớt lục bình khơi thông dòng chảy như trước đây đã khiến Thảo Vân quyết tâm nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp để chế tạo “Máy chặt lục bình trên sông kênh rạch”. Thảo Vân chia sẻ: trong thời gian nghỉ hè năm học 2020-2021 em dành nhiều thời gian cho nghiên cứu chế tạo mô hình. Mặt khác, được sự ủng hộ từ gia đình, những tháng đầu năm học 2021-2022 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 em học ở nhà bằng hình thức trực tuyến nên có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu và bắt tay vào thiết kế sản phẩm.
Để chế tạo được “Máy chặt lục bình trên sông, kênh rạch” hữu ích, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm chi phí, ngoài việc nghiên cứu từ sách khoa học, tham khảo ý kiến giáo viên hướng dẫn, Thảo Vân cũng thường xuyên nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông, các trang web giới thiệu về các mô hình sáng tạo... Theo Thảo Vân, thực tế có nhiều mô hình sáng tạo về máy chặt lục bình đã được phát minh nhưng đa số là chỉ chặt lục bình mà không thu gom dẫn đến ô nhiễm môi trường. Nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình “Máy chặt lục bình trên sông, kênh rạch”, ngoài việc nghiên cứu các bước để chế tạo máy, Thảo Vân còn nghiên cứu thêm phần thu gom lục bình để ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng hoặc bán để tăng thu nhập.
“Máy chặt lục bình trên sông, kênh rạch” được lắp ráp với các nguyên vật liệu như: cánh dao, motor cuộn băng chuyền, nút tăng độ nhanh chậm của cánh dao, hộp nén thu gom lục bình, tấm pin năng lượng mặt trời, bình tích điện, ổ biến áp từ điện năng lượng nạp vào bình tích điện, thân ghe, khung sắt, ốc vít cố định motor vào khung ghe, khung bánh xe để di chuyển trên bờ... chi phí khoảng 05-06 triệu đồng/sản phẩm. Với ưu điểm, dễ sử dụng, dễ lắp ráp, thân thiện với môi trường, thời gian sử dụng lâu, bền, có thể ủ lục bình đã chặt làm phân hữu cơ để trồng cây hoặc bán vừa tăng thu nhập lại hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường. Mô hình Máy chặt lục bình trên sông, kênh rạch và thu gom để làm phân hữu cơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc khai thông dòng chảy, với hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp người sử dụng thuận tiện ở môi trường sông nước, kênh rạch.
Dành nhiều thời gian để thỏa đam mê nghiên cứu khoa học nhưng Thảo Vân luôn sắp xếp thời gian hợp lý để vừa đảm bảo việc học. Không chỉ 09 năm liền là học sinh giỏi của trường, Thảo Vân còn tham gia và đạt giải các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Với kết quả giải Nhì cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Trà Vinh năm 2021 sẽ là động lực để Thảo Vân tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo những giải pháp khác thân thiện với môi trường và ứng dụng trong sinh hoạt gia đình.
KIM NGÂN
Tương lai của Internet tại Việt Nam sẽ hứa hẹn nhiều đột phá khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.