05/08/2020 15:32
Nhằm giúp nhà vườn phục hồi vườn cây ăn trái, các kỹ sư của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), Trung tâm Khuyến nông tỉnh (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) đã có chuyến khảo sát thực tế và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc vườn cây ăn trái cho nhà vườn cù lao Tân Qui.
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông và Chi cục TT-BVTV tỉnh khảo sát và hướng dẫn kỹ thuật xử lý đất nhiễm mặn tại vườn chôm chôm của ông Nguyễn Văn Tước, ấp Tân Qui I, xã An Phú Tân.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV cho biết: hiện nay đang vào mùa mưa, mặn đã giảm; đối với các vườn cây ăn trái đã bị suy kiệt, nhà vườn cần tranh thủ nước ngọt rửa mặn cho đất, không nên bón phân hóa học sẽ làm ảnh hưởng xấu đến bộ rễ chưa được phục hồi.
Một số kỹ thuật được kỹ sư hướng dẫn cho nhà vườn, như tiến hành nạo vét lớp bùn trong mương. Sau đó tiến hành đưa nước ngọt vô rồi tưới liên tục kết hợp bón vôi (vôi sống hoặc vôi nung). Nhà vườn cần lưu ý là việc đưa nước thực hiện “vô ra liên tục” thì mới rửa mặn ở tầng canh tác để cho bộ rễ phát triển; kết hợp với tỉa cành (những cành sâu bệnh, không hiệu quả, cành chết) để tập trung nguồn dinh dưỡng vào chăm sóc những cành hiệu quả.
Theo nhà vườn Tạ Văn Giang Châu, ấp Tân Qui II, xã An Phú Tân: gia đình có gần 0,5ha chôm chôm, hiện nay, phần lớn chôm chôm có hiện tượng rụng lá và trơ đọt; năng suất trái giảm hơn 80% so với năm 2018-2019. Một số cây do không còn hồi phục được đã phải đốn bỏ, với các khuyến cáo và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật tại buổi tọa đàm sẽ góp phần rất lớn cho nhà vườn ở Tân Qui “hồi phục” số diện tích chôm chôm đang còn sót lại, vì đây là đặc sản khá nổi tiếng của Tân Qui.
Khuyến cáo từ Chi cục TT-BVTV trong xử lý rửa mặn đối với vườn cây ăn trái, khi sử dụng vôi sống nên hòa tan trong nước trước khi bón. Liều lượng: 500-800 kg/ha hoặc từ 03-05 kg/gốc tùy vào cây trồng. Khi bón rải đều trên mặt đất. Sau đó, xới cho vôi trộn đều vào trong đất. Dùng nước ngọt tưới đều liên tục từ 05-07 ngày, thay nước trong mương liên tục. Bà con cũng lưu ý để rửa mặn hiệu quả nên xây dựng 02 cống (01 cống đưa nước vào, 01 cống thoát nước ra).
Mặn xâm nhập vào đất sẽ làm cho đất tơi ra, thay đổi cấu trúc. Nhà nông bón vôi cải tạo đất sẽ tái tạo lại cấu trúc đất. Khi bón phân hữu cơ vi sinh sẽ giúp tái tạo lại keo đất, làm cho cấu trúc đất trở lại bình thường, tạo điều kiện cho rễ cây hấp thu dinh dưỡng dễ hơn.
Kỹ sư Mai Hoàng Khanh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: trên thị trường hiện nay, có các loại phân hữu cơ chứa nhiều axit amin như đạm cá sẽ bổ sung dinh dưỡng cho cây dễ hấp thu, tăng cường hệ rễ, lá phát triển trước khi bước vào giai đoạn bón phân hóa học. Trước khi cây khỏe mạnh hoàn toàn, nhà vườn lưu ý không nên sử dụng các sản phẩm kích thích cây ra hoa, bung đọt.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Với những tiện ích, như tích hợp được nhiều thông tin, thay thế nhiều loại giấy tờ, thao tác nhanh chóng, đơn giản, ứng dụng VNeID đang ngày một trở nên gần gũi, thiết yếu với đời sống của người dân. Nhất là, khi Bộ Công an triển khai việc tố giác tin báo về tội phạm qua ứng dụng VNeID thì đây còn trở thành một “kênh” tố giác tội phạm tiện ích.