08/11/2022 10:14
Ông Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT trao giải cho các tác giả đạt giải cao Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh lần thứ 5 (2017-2018). Ảnh tư liệu
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh được triển khai theo Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg, ngày 14/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản triển khai trên toàn quốc của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH - KT) Việt Nam.
Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chủ trương giao cho Liên hiệp các Hội KH - KT tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh nhằm mục đích thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo trong các lĩnh vực KH - KT, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Kết quả qua 12 năm tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh
Hội thi sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện từ năm 2010; Ban Tổ chức Hội thi do UBND tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Liên hiệp các Hội KH - KT; thẩm định nhân sự thành phần Ban Tổ chức Hội thi của Sở Nội vụ và văn bản cử nhân sự tham gia Ban Tổ chức Hội thi của các cơ quan phối hợp.
Đến nay, qua 12 năm triển khai, đã tổ chức 06 lần hội thi, với tổng số giải pháp tham gia là 371 giải pháp, trong đó đã có 06 giải pháp đoạt giải Nhất, 15 giải pháp đoạt giải Nhì, 18 giải pháp đoạt giải Ba và 48 giải pháp đoạt giải Khuyến khích. Trong đó, có 02 giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (giải Nhì và giải Ba) và 03 giải pháp được tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Cụ thể như sau:
Lần thứ nhất (2010 - 2011): có 39 giải pháp dự thi; đoạt 01 giải Nhất (giải pháp “Thiết bị an toàn điện” của tác giả Lý Văn Phi, Ấp 10, xã Long Hữu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; 02 giải Nhì; 05 giải Ba và 07 giải Khuyến khích.
Lần thứ hai (2012 - 2013): có 52 giải pháp dự thi; đoạt 01 giải Nhất (giải pháp “Máy se sợi tơ xơ dừa”: Tác giả Nghiêm Đại Thuận, ấp Thạnh Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh); 04 giải Nhì; 04 giải Ba và 04 giải Khuyến khích.
Lần thứ ba (2014 - 2015): có 108 giải pháp dự thi; đoạt 02 giải Nhất (giải pháp “Máy xay xát gạo sử dụng 02 động cơ”. Tác giả: Đỗ Văn Út; địa chỉ: ấp Đon, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh và Giải pháp “Nhà sấy than BBQ bằng năng lượng mặt trời thay thế cho lò sấy than có sử dụng đốt nhiên liệu để sấy”. Đồng tác giả: Đinh Văn Hiểu, Huỳnh Khắc Nhu, Nguyễn Thanh Hải; đơn vị Công ty Cổ phần Trà Bắc); 03 giải Nhì; 03 giải Ba và 08 giải Khuyến khích.
Lần thứ tư (2016 - 2017): có 86 giải pháp dự thi; đoạt 02 giải Nhất (giải pháp “Máy sản xuất cốm dẹp”. Tác giả: Thạch Hùng; địa chỉ: ấp Sà Vần A, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh và Giải pháp “Nghiên cứu và sản xuất máy in phun công nghiệp theo công nghệ TIJ của Công ty Cổ phần Mỹ Lan”; đồng tác giả: Bùi Thị Nhàn, Phan Nguyên Khải, Bùi Minh Châu, Đào Văn Trọn, Nguyễn Hoàng Thân, Trần Chơn Lý, Lý Hoài, Trần Quốc Toản, Huỳnh Đức Thọ. Đơn vị: Công ty Cổ phần Mỹ Lan); 04 giải Nhì; 03 giải Ba và 06 giải Khuyến khích và 01 giải pháp đoạt giải tại hội thi toàn quốc.
Lần thứ năm (2017 - 2018): có 47 giải pháp dự thi; đoạt 02 giải Nhì; 01 giải Ba; 13 giải Khuyến khích và 01 giải pháp đoạt giải tại hội thi toàn quốc.
Lần thứ sáu (2020 - 2021): có 39 giải pháp dự thi; đoạt 02 giải Ba; 10 giải Khuyến khích.
Hiện tại, đang triển khai tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 7 (2022 - 2023), với 06 lĩnh vực dự thi gồm: (1) công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; (2) cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; (3) vật liệu, hóa chất, năng lượng; (4) nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; (5) y dược; (6) giáo dục và đào tạo. Thời gian kết thúc nhận hồ sơ dự thi đến hết ngày 15/6/2023.
Một số giải pháp đoạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và được tuyển chọn công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam: (1) Giải pháp: Nghiên cứu và sản xuất máy in phun công nghiệp theo công nghệ TIJ của Công ty Cổ phần Mỹ Lan, đoạt giải Ba; được tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018. (2) Giải pháp: Máy sản xuất cốm dẹp của tác giả Thạch Hùng - ấp Sà Vần A, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, được tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018. (3) Giải pháp: Nghiên cứu và sản xuất mực in phun kỹ thuật số SoluJETR-2770K theo công nghệ TIJ 2.5 của Công ty Cổ phần Mỹ Lan, đoạt giải Nhì; được tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020.
Hầu hết các giải pháp đoạt giải hội thi đều được ứng dụng tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và phổ biến rộng rãi cho người dân. Trong đó, có thể phân ra thành những nhóm ứng dụng như sau:
Nhóm giải pháp phục vụ cho sản xuất kinh doanh: đây là những sản phẩm đa phần thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp; công nghiệp, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao… Các sản phẩm, giải pháp này sau khi đoạt giải thường được giới thiệu, quảng bá và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất, hộ nông dân ứng dụng tại địa phương cũng như các khu vực lân cận.
Nhóm giải pháp phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy: đây là những sản phẩm thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ… Các sản phẩm, giải pháp này sau khi đoạt giải đều được đưa vào phục vụ giảng dạy hoặc được giới thiệu đến các cơ quan nghiên cứu, các ngành chuyên môn để xem xét, đưa vào danh mục đề tài nghiên cứu ứng dụng.
Nhóm giải pháp phục vụ cho chăm sóc sức khỏe: đây là những sản phẩm thuộc các lĩnh vực y - dược, an toàn thực phẩm, như: thuốc trừ sâu sinh học, chiết suất tinh chất từ các thảo dược,… Các sản phẩm, giải pháp này sau khi đoạt giải đều được đơn vị thực hiện hoặc cơ sở y tế chọn lọc để áp dụng từng phần hoặc toàn bộ giải pháp, tuy nhiên mức độ ứng dụng còn thận trọng và chưa triển khai rộng, do tính đặc thù trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Nhóm giải pháp phục vụ công tác quản lý: đây là những sản phẩm đa phần là các chương trình, phần mềm máy tính. Cụ thể như: trang tin điện tử, phần mềm ứng dụng,… Các sản phẩm, giải pháp này sau khi đoạt giải thường được đưa vào ứng dụng tại đơn vị, được chia sẻ hoặc chuyển giao cho các ngành, các đơn vị có liên quan để nâng cao hiệu quả ứng dụng.
Đạt được kết quả qua 12 năm tổ chức hội thi là được sự đồng tình hưởng ứng của các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và đều khắp các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện; sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh… đã khẳng định tầm quan trọng và ảnh hưởng tích cực của việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp và đáp ứng kịp thời nguyện vọng của quần chúng thi đua lao động sáng tạo.
Hội thi sáng tạo kỹ thuật đã thực sự trở thành phong trào lao động sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân; góp phần tạo ra nguồn lực khoa học - công nghệ mới để phục vụ sản xuất và đời sống; các đơn vị sản xuất, kinh doanh… có thể tiếp cận ứng dụng các thành quả này vào sản xuất. Các giải pháp tham gia dự thi khá đa dạng, phù hợp với những vấn đề thiết yếu của đời sống xã hội, hầu hết các giải pháp dự thi đều được xây dựng, hình thành từ thực tế lao động sản xuất. Do đó, các giải pháp đều mang tính thực tiễn sâu sắc, có tính sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, có khả năng áp dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Một trong những yếu tố góp phần thành công của hội thi và cũng là niềm động viên, khuyến khích các tác giả có nhiều giải pháp tham gia Hội thi là về mặt kinh phí kèm theo các giải thưởng được tăng cao hơn so với những lần tổ chức trước đây. Trên cơ sở mức chi theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 65/2018/HĐND, ngày 11/7/2018 về việc quy định mức chi đối với các Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, với cơ cấu giải thưởng là: giải Nhất 40 triệu đồng; giải Nhì 32 triệu đồng; giải Ba 24 triệu đồng và giải Khuyến khích 08 triệu đồng..
Tuy nhiên, qua các cuộc thi vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế, như: một số ngành, địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa thấy rõ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật là hoạt động rất cần thiết nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân có giải pháp sáng tạo kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nên chưa đề ra các biện pháp cụ thể trong việc phổ biến, hướng dẫn, tạo điều kiện động viên tổ chức và cá nhân tham gia Hội thi.
Kinh phí tổ chức, triển khai và tuyên truyền cho Hội thi ở các huyện, thị xã, thành phố chưa có đã ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng sản phẩm dự thi và công tác triển khai Hội thi. Chưa huy động được sự đóng góp, tài trợ của xã hội cho hoạt động Hội thi. Từ đó, chưa có nguồn kinh phí triển khai ứng dụng các giải pháp đoạt giải cao và hoàn thiện các giải pháp cần tiếp tục được hỗ trợ bổ sung; cơ quan thường trực còn khó khăn về cơ sở vật chất, chưa có nơi bảo quản và trưng bày các sản phẩm dự thi.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức phong trào Hội thi sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Về công tác tuyên truyền
Thành viên Ban Tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, tăng cường tuyên truyền phát động trong hệ thống ngành mình quản lý như: Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động,... để tuyên truyền, phát động sâu rộng trong toàn tỉnh; hướng dẫn cụ thể thành phần hồ sơ tham gia dự thi để tác giả thực hiện đúng quy định.
Các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức tuyên truyền, vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, nông dân, công nhân mạnh dạn tham gia dự thi đối với các sáng kiến, giải pháp hữu ích đã được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ cần động viên, tạo điều kiện cho các nhà sáng tạo của tổ chức, doanh nghiệp mình tham gia dự thi đối với các sáng kiến, cải tiến quy trình công nghệ nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng, gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phối hợp các ngành chuyên môn, giới truyền thông để hỗ trợ tác giả trong quảng bá thông tin và phổ biến kiến thức đến người dân. Đặc biệt, cần tuyên truyền những giải pháp đoạt giải, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm khuyến khích và động viên đông đảo tác giả tham gia Hội thi.
Về công tác phối hợp tổ chức Hội thi
Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc phát động tổ chức Hội thi cũng như việc nhân rộng ứng dụng giải pháp đã đoạt giải, đồng thời đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu sáng tạo kỹ thuật nhằm khơi dậy phong trào thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Thường trực Ban Tổ chức Hội thi chủ động phối hợp Sở Tài chính xây dựng kế hoạch kinh phí tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đúng theo tiến độ và định mức quy định, đảm bảo phục vụ các yêu cầu triển khai, tổ chức Hội thi.
Phát huy tính sáng tạo của các đơn vị trường học hưởng ứng, tham gia Hội thi tốt trong thời gian qua, có giáo viên, học sinh đoạt giải Hội thi. Trên cơ sở đó, tiếp tục phát huy khả năng nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh các điểm trường trong toàn tỉnh.
Về phía tác giả, khi có hồ sơ giải pháp tham gia Hội thi cần bám sát các quy định của Thể lệ Hội thi. Đặc biệt về thuyết minh giải pháp dự thi, chú trọng trình bày rõ ràng, cụ thể về tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng và hiệu quả (kinh tế, kỹ thuật, xã hội) theo Thể lệ quy định.
Về thương mại hóa và ứng dụng sản phẩm đoạt giải sau Hội thi
Ngành chuyên môn, nhất là Sở Khoa học và Công nghệ cần tổ chức quảng bá và xúc tiến phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo điều kiện liên kết với các doanh nghiệp, nhà tài trợ để mua bán công nghệ, sản phẩm, ý tưởng để tiếp tục phát triển hoàn thiện công nghệ của các giải pháp đoạt giải. Tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ từ nguồn kinh phí nhà nước hoặc nguồn kinh phí xã hội hóa để các tác giả tiếp tục hoàn thiện, triển khai, nhân rộng các giải pháp đoạt giải. Tác động, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hướng dẫn tác giả phát triển thành đề tài nghiên cứu phát triển để thương mại hóa sản phẩm.
Về công tác xã hội hóa trong tổ chức Hội thi
Liên hiệp các Hội KH-KT và các cơ quan phối hợp tổ chức Hội thi cần vận động thêm kinh phí hỗ trợ một phần cho công tác tổ chức hội thi, trao thưởng, quảng bá sản phẩm đoạt giải,… Thực hiện tốt công tác xã hội hóa sẽ tạo điều kiện để Liên hiệp các Hội KH-KT chủ động trong tổ chức hoạt động hội thi và tiếp tục phổ biến, nâng cao hiệu quả ứng dụng các giải pháp đoạt giải hội thi.
TRẦN VĂN VŨ
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh Trà Vinh.
Hai nhà khoa học Việt Nam được bầu là viện sĩ Viên Hàn lâm Khoa học Thế giới gồm Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai.