14/02/2022 09:59
Theo thông báo của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Quốc gia, ứng dụng PC-Covid đã được kích hoạt thêm tính năng tự động cảnh báo người dùng có nguy cơ tiếp xúc với F0. Cụ thể, PC-Covid sẽ gửi thông báo đến ứng dụng của người dùng từng đến địa điểm phát hiện có F0 (qua lịch sử quét mã QR), từng di chuyển phương tiện cùng F0 (qua khai báo di chuyển nội địa), tiếp xúc gần với F0 (qua tính năng tiếp xúc gần của PC-Covid).
Trung tâm Công nghệ, phòng chống dịch Quốc gia cho biết ứng dụng PC-Covid sẽ cảnh báo nếu người dùng quét mã QR trước hoặc sau trong vòng một giờ so với thời gian quét mã QR của F0 tại cùng một địa điểm. Theo đó, việc cảnh báo tự động khi đến những địa điểm có F0 sẽ giúp mọi người chủ động theo dõi sức khỏe của mình và có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Thông báo người dùng từng đến địa điểm có F0 trên PC-Covid.
Ứng dụng PC-Covid nằm trong kế hoạch triển khai ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 thống nhất cho người dân. App do Bkav, Viettel và VNPT hợp tác phát triển, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia vận hành. Các cơ quan chủ trì gồm Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết ngày 09/02, ứng dụng PC-Covid đã có hơn 25,3 triệu người dùng, chiếm 36,85% dân số và 53,01% số điện thoại thông minh. Danh sách 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cài PC-Covid trên dân số cao nhất lần lượt là Bình Dương, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai và Bắc Giang. Các địa phương có tỷ lệ cài đặt PC-Covid thấp nhất gồm Lai Châu, Bạc Liêu, Điện Biên, Nghệ An và Hà Giang.
Được giới thiệu từ ngày 30/9/2021, ứng dụng PC-Covid được nhà phát triển cập nhật sửa lỗi và bổ sung tính năng nhiều lần. Gần đây, PC-Covid đã cho phép người dùng quét mã QR, khai báo y tế một chạm khi không trực tuyến. Trong bản cập nhật tháng 01, đội ngũ phát triển bổ sung tiện ích "Tự khai báo mũi tiêm" và "Ví giấy tờ".
Khi mới được giới thiệu, PC-Covid bị nhiều người phản ánh hoạt động kém ổn định, thông tin đồng bộ chưa chính xác. Trong ngày đầu tiên, đã có 1,7 triệu lượt truy vấn hệ thống. Do đó, đội ngũ kỹ thuật vẫn liên tục cải thiện hiệu năng. Dữ liệu tiêm chủng của người dùng trên ứng dụng cũng không được hiển thị đúng. Sau đó, đội ngũ phát triển phải gỡ bỏ dữ liệu tiêm chủng tạm thời để cập nhật lại.
Theo zingnews.vn
Tương lai của Internet tại Việt Nam sẽ hứa hẹn nhiều đột phá khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.