19/08/2024 13:47
Hoạt động sản xuất tại Công ty Optrontec vina khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Nhằm hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (Đề án) để báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang lấy ý kiến góp ý và tổng hợp thêm ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết việc xây dựng đề án là nhiệm vụ khó, quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ KH-ĐT đã xây dựng đề án một cách công phu, lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học; đồng thời, nghe nhiều ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước và báo cáo cấp thẩm quyền cho ý kiến.
Bộ KH-ĐT cho biết dự thảo đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan, bao gồm những nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ gắn với các báo cáo, chương trình, đề án, chính sách, sản phẩm cụ thể nêu rõ cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp và thời hạn hoàn thành nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam tham gia vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường; tham gia vào các công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; tham gia làm việc và từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; và Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Đến năm 2050, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Để tiếp tục hoàn thiện đề án, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các viện, trường và chuyên gia có ý kiến cụ thể trực tiếp vào dự thảo Đề án, đặc biệt là các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kinh phí thực hiện đề án; các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; về việc bổ sung phạm vi và đổi tên đề án.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, việc đưa tổng kinh phí dự kiến vào Quyết định phê duyệt chương trình là phù hợp và cần thiết; cơ sở để thực hiện, triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu của đề án, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngành; đồng thời, việc đưa số lượng các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn nhằm tạo cơ sở để xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
“Việc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm đa dạng hóa các nguồn lực tham gia vào việc xây dựng và triển khai đề án, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân,” ông Hồ Kỳ Minh cho hay.
Đại diện các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bách Khoa Hà Nội, Giao thông Vận tải… và các trường tư thục như Đại học Đại Nam, Đại học FPT,…cũng đã góp ý và thống nhất cao với các nội dung được nêu; cho rằng việc xây dựng Đề án là rất cần thiết, tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh hiện nay.
Trong quá trình triển khai thực hiện cần tiếp tục có sự tham gia tích cực của các bên liên quan, đặc biệt là sự chung tay, đồng lòng của các viện, trường.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Ngọc cho biết Bộ KH-ĐT tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án có tính khả thi, hiệu quả. Do vậy, Bộ KH-ĐT cần có sự phối hợp, đồng hành của các bên liên quan.
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược ưu tiên; trong đó, phát triển khoa học công nghệ cao sẽ thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn phải đồng bộ với phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, gắn với đào tạo về khoa học cơ bản, khoa học chuyên sâu, phù hợp với lộ trình, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh.
Theo vietnamplus.vn
Cuộc thi an ninh mạng ASEAN Cyber Shield, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam, được tổ chức với 02 hạng mục cho những đội tuyển IT của các nước trong khu vực thi đấu.