12/07/2024 13:58
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP quy định quản lý các hoạt động ứng dụng CNTT sau đây: Dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước; Các hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đối với dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên hoặc lớn nhất trong tổng mức đầu tư của dự án, thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.
Đối với các hoạt động ứng dụng CNTT quy định tại (*) của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ trên cơ sở đề xuất và kiến nghị của cơ quan có dự án, phù hợp với tính chất đặc thù của dự án và pháp luật nước sở tại.
Đối với các dự án đầu tư ứng dụng CNTT đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về thực hiện quy định của pháp luật về chính sách ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước, quy định của pháp luật đối với sản phẩm, dịch vụ CNTT, công nghệ số đặc thù
Theo đó, các hoạt động ứng dụng CNTT thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này phải ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước, thực hiện theo quy định của pháp luật đối với sản phẩm, dịch vụ CNTT, công nghệ số đặc thù.
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành tiêu chí chi tiết xác định và công bố danh mục các sản phẩm, dịch vụ CNTT sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm; danh mục sản phẩm phần mềm nguồn mở dùng chung đáp ứng yêu cầu sử dụng trong cơ quan nhà nước; danh mục các doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng các tiêu chí ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm. Đối với sản phẩm phần mềm phục vụ chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp và thống nhất với Bộ quản lý chuyên ngành trước khi ban hành.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chí xác định và danh mục các sản phẩm, dịch vụ CNTT, công nghệ số đặc thù phù hợp với quy định của pháp luật về CNTT, công nghệ số, pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Bổ sung quy định về công bố danh mục các phần mềm phổ biến
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP cũng bổ sung Điều 5a quy định về công bố danh mục các phần mềm phổ biến:
1. Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến ngành, chuyên ngành, lĩnh vực.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến quốc gia.
3. Việc đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ CNTT đối với phần mềm phổ biến (bao gồm phần sửa đổi, bổ sung một số chức năng, tính năng, hiệu năng) được thực hiện theo trình tự, thủ tục đầu tư, mua sắm phần mềm thương mại, thuê dịch vụ CNTT sẵn có trên thị trường.
Đối với phần sửa đổi, bổ sung một số chức năng, tính năng, hiệu năng của phần mềm phổ biến (nếu có), dự toán của phần sửa đổi, bổ sung được xác định theo báo giá của nhà cung cấp, nhà sản xuất.
4. Các tổ chức, cá nhân cung cấp phần mềm phổ biến có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân mình hoặc cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông công bố những sản phẩm phần mềm phổ biến (tên phần mềm và giá cung cấp) đáp ứng được các chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản các phần mềm được bộ, cơ quan trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông công bố theo quy định tại khoản 1, 2 nêu trên.
Các tổ chức, cá nhân cung cấp phần mềm phổ biến chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của thông tin về sản phẩm phần mềm phổ biến được cung cấp.
Theo vietnamnet.vn
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), trực tiếp là NEAC, đã sẵn sàng lên kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain. Chiến lược hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu khu vực về nghiên cứu, ứng dụng blockchain.