10/03/2023 17:42
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham quan các sản phẩm giới thiệu tại sự kiện.
Thông tin được lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) chia sẻ tại hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023 tổ chức tại Thừa Thiên - Huế ngày 09/3.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm 2023 có nhiều hoạt động về sở hữu trí tuệ được xác định là trọng tâm. Trong đó, bên cạnh việc xác lập bảo hộ nhãn hiệu, sẽ tăng cường các chính sách khuyến khích khai thác phát triển tài sản trí tuệ. "Đây được coi là một trong các giải pháp đột phá, tạo thuận lợi để doanh nghiệp, viện, trường đổi mới sáng tạo, biến tri thức thành của cải, vật chất", ông nói.
Bộ trưởng thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tháng 6/2022 với nhiều nội dung được đánh giá là "có tính đột phá". Theo đó, Bộ KH-CN sẽ khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn luật, thúc đẩy hoạt động xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ, khai thác tài sản trí tuệ.
Trong năm 2022, có 140.903 đơn đăng ký bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ được tiếp nhận, trong đó 113.906 đơn các loại đã được xử lý. Đến tháng 3/2023, Việt Nam đã bảo hộ 128 chỉ dẫn địa lý (bao gồm 115 chỉ dẫn địa lý trong nước và 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài).
Nhiều chương trình bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển tài sản trí tuệ, nhất là đối với sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN triển khai.
Các sản phẩm nông nghiệp như vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang và thanh long Bình Thuận đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản giúp nâng giá trị, khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của những quốc gia khó tính.
Tại hội nghị, TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH-CN Thừa Thiên Huế, đề xuất giải pháp phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương. Theo đó, bên cạnh hỗ trợ đảm bảo nguồn giống đầu vào, việc ứng dụng công nghệ giúp cải tiến quy trình sản xuất.
Ông Thắng cũng mong muốn ưu tiên áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Để hỗ trợ phát triển thương hiệu và cải thiện khả năng thương mại hóa, theo TS Thắng cần xây dựng chuẩn hóa hệ thống quy cách nhãn mác, tiêu chuẩn quy chuẩn chất lượng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực ra nước ngoài.
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ bảo hộ và khai thác quyền khai thác ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa tại thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, Cục xây dựng công cụ và bản đồ công nghệ, phát triển các trung tâm chuyển giao công nghệ, hỗ trợ liên kết sản xuất, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Theo vnexpress.net
Hai nhà khoa học Việt Nam được bầu là viện sĩ Viên Hàn lâm Khoa học Thế giới gồm Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai.