03/02/2025 09:12
Công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Bên lề diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ 6, PV VietNamNet đã có buổi trao đổi với bà Đặng Thị Ánh Tuyết, nhà sáng lập startup MedCAT. Nhà sáng lập này đã chia sẻ góc nhìn về tầm ảnh hưởng của lời hiệu triệu Make in Viet Nam đối với sự phát triển của các startup Việt.
Là một người chứng kiến và tham dự diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ 6, bà có cảm nhận và suy nghĩ thế nào về sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số, kể từ lời hiệu triệu Make in Viet Nam?
Bà Đặng Thị Ánh Tuyết: Kể từ khi Bộ TT-TT phát động tinh thần Make in Viet Nam, tôi nhận thấy có sự thay đổi rõ rệt về ý thức của các doanh nghiệp, rằng chúng ta phải làm sản phẩm từ Việt Nam, phục vụ cho Việt Nam và thậm chí có thể cạnh tranh toàn cầu.
Từ đó đến nay, đã có rất nhiều sản phẩm, công nghệ mới được giới thiệu ra thị trường, do các công ty Việt Nam thực hiện. Tôi cho rằng đây là thành quả rất tốt từ hiệu ứng của diễn đàn.
Bà Đặng Thị Ánh Tuyết, nhà sáng lập startup MedCAT.
Tỷ trọng giá trị Việt trên tổng doanh thu công nghiệp ICT đạt khoảng 32%. Bộ TT-TT đặt mục tiêu đẩy tỷ lệ này lên 50% vào năm 2030. Ở góc nhìn của một người làm công nghệ, theo bà, chúng ta phải giải câu chuyện đó thế nào?
Chúng ta đã có một chiến lược rõ ràng, các cơ quan bộ, ngành mà ở đây là Bộ TT-TT đã khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, khơi dậy tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chúng ta đang có thị trường ngày càng mở rộng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên thị trường nước ngoài cũng ngày một nâng cao.
Sau khi đã có chiến lược rõ ràng, nhận thức đúng đắn về năng lực, khả năng làm ra các sản phẩm Make in Viet Nam... chúng ta cần có thêm một vài cơ chế phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu làm điều đó, tôi tin rằng mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được.
Từ góc độ cá nhân, tôi nhận thấy bài toán của Việt Nam có những đòi hỏi rất riêng. Chúng ta là người Việt Nam, thế nên chúng ta sẽ hiểu biết nhất về nhu cầu của thị trường mình.
Vừa qua, nhiều nhân tài người Việt ở nước ngoài mong muốn quay trở về hỗ trợ phát triển đất nước. Các bạn trẻ đang có khao khát rất lớn về việc làm ra được những sản phẩm Make in Viet Nam.
Đấy là điều kiện vô cùng thuận lợi để chúng ta có thể có được những sản phẩm Make in Viet Nam có chất lượng, hàm lượng công nghệ ngày càng cao.
Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mới ra đời liệu có phải là lời giải đột phá để thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số?
Nghị quyết 57 vừa được Bộ Chính trị ban hành là một động lực rất lớn đối với người làm công nghệ. Khi Nghị quyết 57 được triển khai, chắc chắn các doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa.
Diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ 6.
Tôi rất mong mỏi Việt Nam sẽ có những chính sách giúp xây dựng hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ. Hệ sinh thái công nghệ Việt, ngoài những cánh chim đầu đàn, cũng cần tới những chú chim nhỏ xung quanh mới phát triển được bền vững.
Để làm được việc đó, chúng ta cần những chính sách hỗ trợ sâu sát hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các startup đang làm về những lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, những yếu tố mang tính đột phá.
Những gì gọi là đột phá nhiều khả năng sẽ chưa có mô hình đi trước để so sánh. Do vậy, chúng ta rất cần những cơ chế hỗ trợ, giúp đưa tất cả sản phẩm, các ứng dụng đi vào thực tiễn sử dụng càng nhanh càng tốt, từ đó sớm thu về các đánh giá từ người dùng.
Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa các doanh nghiệp đã có sản phẩm tốt, sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Với những chính sách thuận lợi cho khoa học công nghệ, bà kỳ vọng gì về sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam?
Tôi tin rằng trong thời gian tới, sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ ngày càng nở rộ. Bản chất người Việt Nam vốn ham học, có khả năng học tốt các ngành khoa học tự nhiên.
Việc thấu hiểu thị trường, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng cũng ngày càng được chúng ta chú trọng. Với sự thay đổi về nhận thức, đi cùng hướng đi chiến lược rõ ràng, chắc chắn Việt Nam sẽ sớm đạt được những mục tiêu đề ra.
Theo vietnamnet.vn
Tác động của các đặc trưng tự nhiên như khí hậu nhiệt đới gió mùa với nhiệt độ, độ ẩm cao, cùng bức xạ mặt trời, môi trường biển khắc nghiệt không chỉ ảnh hưởng đến độ bền vật liệu mà còn làm gia tăng tốc độ ăn mòn, sự xâm lấn của sinh vật biển lên các công trình và phương tiện, gây tổn thất lớn về kinh tế cũng như an ninh năng lượng và quốc phòng.