15/06/2020 08:38
Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất đang được ngành nông nghiệp tỉnh tập trung triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, việc đa dạng, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi được tập trung triển khai với các giống ngoại nhập, đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển đàn bò của Trà Vinh, thông qua dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh” (Dự án) do Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh thực hiện đã mang lại nhiều hiệu quả cao trong việc làm thay đổi nhận thức của người nuôi bò, nâng cao chất lượng đàn bò, tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi…
Gần 100% bò nuôi trong tỉnh được lai máu nhóm Zêbu hoặc lai giống chuyên thịt chất lượng cao.
Trong phát triển đàn bò đang được ngành nông nghiệp định hướng đến nâng cao đàn bò thịt chất lượng cao; quy mô dự kiến đến đạt 200.000 con vào năm 2020 và đến năm 2030 là 300.000 con, tập trung phát triển trên địa bàn các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành và Duyên Hải. Thông qua việc tăng cường sử dụng giống bò cái nền (sind) đã lai tạo tại địa phương theo hướng gieo tinh hoặc phối giống với bò đực giống ngoại chất lượng cao (các giống bò ngoại được định hướng như: Brahman, Charolais, Limousine, BBB...).
Dự án được triển khai trong 36 tháng (từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2019 và hiện gia hạn đến tháng 10/2020); đã chuyển giao 80 bò cái giống Brahman cho 28 hộ tham gia Dự án trên địa bàn huyện Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang. Cùng với đó, Dự án đã đầu tư cho hộ nuôi bò lai tạo giống mới qua gieo tinh nhân tạo trên nền đàn bò cái lai sind của địa phương kết hợp với hỗ trợ nguồn thức ăn cho người nuôi bò thịt…
Theo ông Kim Huỳnh Khiêm, Chủ nhiệm Dự án: Qua chuyển giao 80 bò cái giống Brahman cho 28 hộ, hiện số bê sinh ra được 73 con. Trong đó, huyện Trà Cú có 27/27 con bò đã phối giống (đã đẻ 22 con bê con); huyện Châu Thành 26/26 con bò phối giống (đã đẻ 26 con bê con); huyện Cầu Ngang có 25/25 con bò đã phối giống (đã đẻ 25 con bê con) đây là số bò giống được các hộ tiếp tục nuôi và giữ giống để tạo bò cái nền. Đến nay, đàn bò trong dự án tăng trưởng và phát triển tốt.
Bên cạnh chuyển giao bò cái giống, các hộ trong dự án còn được tiếp cận quy trình nhân thuần giống bò Brahman nhập nội; quy trình lai tạo bò lai F1 hướng thịt; quy trình nuôi dưỡng bò cái sinh sản… chăn nuôi bò hướng thịt về quy trình nuôi bê hướng thịt thời kỳ bú sữa; quy trình nuôi bê hướng thịt thời kỳ sau cai sữa; quy trình vỗ béo bò thịt; quy trình phòng và trị bệnh cho bò thịt; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản cỏ cho bò.
Mô hình nuôi bò giống cái nền lai sind, dự án đã chọn 320 bò cái giống lai sind thông qua sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (bằng tinh cọng rạ bò thịt của 03 giống Chairolais, Red Angus, Red Brahman). Qua đó, đã có 320 con bê con được sinh sản từ nền bò cái sind thụ tinh nhân tạo. Nuôi bò lai hướng thịt quy mô hộ gia đình, dự án hỗ trợ và cấp thức ăn cho 390 con bê con kết hợp với cấp 63kg hạt cỏ sả Hamil (diện tích trồng là 7,32ha, năng suất đạt 210-250ha/năm) và 16 tấn cỏ voi (diện tích trồng 4,95ha, năng suất trung bình đạt 310-400 tấn/ha).
Ông Sơn Sắc, ở ấp Trạm, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú cho biết, những năm qua được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, chăm sóc và gieo tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng, tầm vóc đàn bò do Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh thực hiện đã góp phần đưa đàn bò của gia đình (15 con bò sind) được lai tạo với các giống bò ngoại như Chairolais, Red Angus, Red Brahman bằng thụ tinh nhân tạo do dự án hỗ trợ. Từ đó, đã nâng cao chất lượng đàn bò giống cũng như hiệu quả kinh tế mang lại cho người chăn nuôi bò ngày cao hơn so với trước đây.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Lần đầu tiên, một báo cáo tổng quan về Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam được công bố, nhằm cung cấp bức tranh tổng quan về hoạt động này thời gian qua.