30/08/2024 15:50
Ngày 28/8, tại cơ sở đào tạo Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức lễ công bố nghị quyết thành lập và ra mắt khoa Trí tuệ nhân tạo. Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương và lãnh đạo các vụ chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các thứ trưởng chúc mừng việc Học viện thành lập khoa AI.
Khoa AI được Học viện thành lập trên cơ sở tối ưu các nguồn lực ưu tiên cho ngành đào tạo mũi nhọn này, với 07 nhân sự ban đầu gồm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cường làm Trưởng khoa kiêm Trưởng bộ môn AI ứng dụng, cùng 06 giảng viên được điều chuyển từ 03 khoa chuyên môn khác của trường.
Khoa AI của Học viện sẽ không chỉ là nơi đào tạo những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI, mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội với nhu cầu nhân lực trong ngành AI liên tục tăng cao. Khoa mới sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc trực tiếp đào tạo ngành AI, đồng thời hỗ trợ đào tạo chuyên ngành AI cho các khoa khác trong trường.
"Tầm nhìn phát triển của khoa AI trong 10 năm tới là trở thành đơn vị số 01 về đào tạo AI của cả nước cả về nghiên cứu và chất lượng đào tạo. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2035 đưa Học viện vào top 400 - 450 trường đại học hàng đầu thế giới về nghiên cứu AI", Giáo sư Từ Minh Phương cho hay.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Khoa AI của Học viện muốn xuất sắc thì phải có một triết lý khác biệt và xuất sắc về đào tạo AI. Chính triết lý đào tạo này sẽ là thỏi nam châm về thu hút tri thức xuất sắc, giáo viên xuất sắc và sinh viên xuất sắc. Về thu hút giáo viên, chuyên gia xuất sắc tham gia giảng dạy thì chú ý thu hút cái hồn của họ, tri thức của họ, sự xuất sắc của họ hơn là sự hiện diện vật lý của họ.
Một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của AI, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu yêu cầu, chương trình đào tạo AI của Học viện cần được cập nhật liên tục, sát với các chương trình giảng dạy về AI của các đại học trên thế giới.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ: Chương trình giảng dạy AI tại Việt Nam phải chú trọng thúc đẩy việc ứng dụng, giúp Việt Nam đi đầu về ứng dụng, có đủ nhân lực AI để đưa ứng dụng AI vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội Việt Nam. “Học viện cần đặt mục tiêu đạt top 100 trường đại học hàng đầu thế giới về đào tạo ứng dụng AI”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu yêu cầu với trường và khoa.
Cùng với việc tích cực hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, khoa AI của Học viện cũng cần lưu ý việc đào tạo nhân lực AI cần kết hợp đào tạo đại học, cao học, tiến sĩ và đào tạo lại. Các kỹ sư điện tử, viễn thông, CNTT có thể "reskill" (đào tạo lại) để thành kỹ sư AI, để đáp ứng nhanh nhu cầu nhân lực AI trong thời gian ngắn.
Người đứng đầu ngành TT-TT cũng lưu ý, khoa AI của Học viện và các sinh viên của khoa phải nhận thức sâu sắc về những nguyên tắc quản lý và phát triển AI, như: Đảm bảo sự minh bạch và giải thích được; Tôn trọng các giá trị đạo đức và quyền con người; Bảo vệ quyền riêng tư... Việc này nhằm đảm bảo AI luôn phụng sự con người.
Trong khuôn khổ sự kiện, Học viện và FPT Smart Cloud, Ericsson đã trao biên bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Theo vietnamnet.vn
Cuộc thi an ninh mạng ASEAN Cyber Shield, nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam, được tổ chức với 02 hạng mục cho những đội tuyển IT của các nước trong khu vực thi đấu.