09/08/2024 15:29
Ngày 07/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện “Quy hoạch hạ tầng TT-TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Ngoài mục đích định hướng các bộ, ngành, địa phương trong phối hợp với Bộ TT-TT và những đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả Quy hoạch hạ tầng TT-TT giai đoạn đến năm 2030, kế hoạch cũng hướng tới nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện Quy hoạch.
Thông tin với VietNamNet, đại diện Viện Chiến lược TT-TT (Bộ TT-TT) cho biết: Việc ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được xác định trong Quy hoạch hạ tầng TT-TT đến năm 2030, nhất là xác định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, nguồn lực và lộ trình triển khai để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các dự án ưu tiên trong thời kỳ quy hoạch.
Để triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng TT-TT, thời gian tới, các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TT-TT sẽ đầu tư, mở rộng và hiện đại hóa hạ tầng TT-TT.
Được xây dựng căn cứ quy định tại Điều 45 của Luật Quy hoạch, kế hoạch thực hiện “Quy hoạch hạ tầng TT-TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” gồm 04 nhóm nội dung chính: Dự án đầu tư công; Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; Kế hoạch sử dụng đất; Chính sách, giải pháp.
Bên cạnh việc điểm ra các nhóm dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ nguyên tắc bố trí sử dụng đất cho phát triển kết cấu hạ tầng TT-TT quốc gia. Đó là phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và phù hợp với những định hướng đã được xác định tại Quyết định 36 ngày 11/01/2024 về phê duyệt “Quy hoạch hạ tầng TT-TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Khuyến khích gắn kết các công trình hạ tầng TT-TT với các công trình phát triển công nghiệp công nghệ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo hướng hình thành hệ sinh thái để nâng cao hiệu quả khai thác các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Cùng với đó, hạ tầng TT-TT trên địa bàn các tỉnh, thành phố phải được cập nhật, tích hợp trong quy hoạch của địa phương để bố trí quỹ đất và tổ chức triển khai đồng bộ. Kế hoạch đất sử dụng phát triển hạ tầng TT-TT theo Quy hoạch được xác định trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Các địa phương căn cứ nhu cầu phát triển, quy hoạch tỉnh và các quy định có liên quan để bố trí diện tích đất phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân triển khai “Quy hoạch hạ tầng TT-TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và kế hoạch thực hiện Quy hoạch trong phạm vi chức năng, quyền hạn và theo thẩm quyền.
Trong đó, Bộ TT-TT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch; Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức triển khai Quy hoạch, kế hoạch thực hiện...
Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT và các địa phương tổng hợp nguồn vốn triển khai dự án đầu tư công trung hạn và hằng năm, trình cấp có thẩm quyền; Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TT-TT...
Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các yêu cầu phát triển về hạ tầng TT-TT phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hạ tầng TT-TT trong phạm vi địa phương; Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên ngành, bố trí, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai Quy hoạch.
Các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TT-TT xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, quy hoạch phát triển của đơn vị mình phù hợp với “Quy hoạch hạ tầng TT-TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
|
“Quy hoạch hạ tầng TT-TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã xác định: Hạ tầng TT-TT là một chỉnh thể thống nhất, hình thành trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp CNTT, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. |
Theo vietnamnet.vn
Thủ đoạn lừa cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản là 01 trong 03 chiêu lừa phổ biến tuần qua, vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cảnh báo tới người dân.