05/12/2022 15:55
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Dấu ấn Techfest Vietnam 2022.
Thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong chương trình Dấu ấn Techfest Vietnam tổ chức tối 03/12 tại Bình Dương. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, nhà khoa học công nghệ, doanh nhân và các bạn trẻ khởi nghiệp...
Thủ tướng nhấn mạnh, tìm kiếm cơ hội, huy động nguồn lực và chấp nhận rủi ro để thực hiện hóa giấc mơ tạo ra nhiều của cải cho xã hội với yếu tố cốt lõi quyết định đó là đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển luôn là một động lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia đẩy mạnh khởi nghiệp và sáng tạo.
Thực tiễn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, khởi nghiệp và tạo dựng doanh nghiệp là động lực thiết yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia. Ông khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng cách cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, ban hành khung khổ pháp lý và các đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Khởi nghiệp là chương trình lớn của đất nước, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trên nền tảng công nghệ. "Những năm qua, chúng ta có nhiều chính sách để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như ban hành nhiều khung chính sách, pháp lý để hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nói khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp mà tạo dựng giá trị trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững còn khó hơn rất nhiều. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp như vậy, bắt đầu phát triển, vươn tầm quốc tế thể hiện chí tuệ nước nhà, từng bước khẳng định, vươn xa thế giới.
Trước đó trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mở của Việt Nam thời gian qua được hình thành với hơn 400 thành viên, tiếp cận được hơn 1.000 nhà khoa học. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế tham gia các hoạt động trong hệ sinh thái, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo non trẻ, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho hệ sinh thái.
Thu hẹp khoảng cách để bứt phá
Thủ tướng đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. Để thu hẹp và đưa Việt Nam bứt phá lên, cần phát triển sáng tạo phù hợp với đặc thù con người Việt Nam. Đồng thời cần triển khai đồng bộ liên tục nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả. Có chính sách đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương và quốc gia.
Thủ tướng bày tỏ sẽ ủng hộ và khẳng định, việc phát triển một môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là vô cùng cần thiết. Theo đó, cần tập trung xây dựng thể chế chính sách về khoa học, thị trường, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cơ chế đặt hàng để tạo niềm tin cho thị trường.
Để sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần có giải pháp gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tri thức, khoa học công nghệ và đặc thù riêng có của đất nước, con người Việt Nam. Xác định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân; triển khai đồng bộ, sâu rộng, thường xuyên, liên tục nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
Trong đó, ông yêu cầu tập trung một số nhiệm vụ tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Giải quyết các bài toán về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả quản trị quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng lao động... Qua đó, tạo đột phá, đem lại những giá trị thiết thực cho cá nhân, cộng đồng, xã hội.
Thủ tướng khuyến khích những ý tưởng mới, những kế hoạch sáng tạo, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để giải quyết các vấn đề đặt ra trên thực tế, trên đất nước và toàn cầu.
Ông yêu cầu đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan, có cơ chế ưu đãi về thuế, thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích cơ chế đặt hàng, sử dụng các sản phẩm đổi mới sáng tạo; công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.
Thủ tướng mong muốn, các nhà quản lý, đầu tư, nhà khoa học, cộng đồng khởi nghiệp có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Ông kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức cá nhân đóng góp tích cực, giúp đỡ các ý tưởng khởi nghiệp mới của thế hệ trẻ dám đối diện khó khăn, không sợ thất bại với tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tư duy mới mỗi công dân là một nhà khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Việt Nam hiện có 04 "kỳ lân" công nghệ, khẳng định vị thế trong "tam giác vàng" khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài.
Theo vnexpress.net
Hai nhà khoa học Việt Nam được bầu là viện sĩ Viên Hàn lâm Khoa học Thế giới gồm Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai.