27/09/2022 08:35
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu thì vai trò của đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu đặc biệt quan trọng trong hoạt động thương mại và phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến hệ thống thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước sở tại.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.
Nhận thức được điều đó, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030… Gần đây nhất Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua với số phiếu nhất trí rất cao.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá, những năm qua, mặc dù Việt Nam đã cố gắng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ được thực hiện bằng nhiều hình thức, thủ đoạn mới như sử dụng công nghệ cao làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo...
“Để ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ trên bình diện quốc tế thì cần thiết sự hợp tác của các nước. Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẵn sàng hợp tác với các nước trong việc xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ” - ông Dũng nhấn mạnh.
Các chuyên gia đề xuất, để nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trên không gian mạng nói riêng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia hàng đầu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ như: Mỹ, Anh… Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội và người tiêu dùng; nâng cao trình độ cho các cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Theo qdnd.vn
Hai nhà khoa học Việt Nam được bầu là viện sĩ Viên Hàn lâm Khoa học Thế giới gồm Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thế Hoàng và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai.