17/07/2024 10:21
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đa chiều về xây dựng chính sách quản lý dữ liệu, bảo đảm an ninh dữ liệu phù hợp với thông lệ quốc tế, hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu trong nước.
Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định tấn công mạng ngày càng gia tăng, nhất là trong những tháng đầu năm 2024 liên tiếp xảy ra các vụ tấn công mã hóa dữ liệu nhằm vào các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các chuyên gia an ninh mạng đến từ Việt Nam và thế giới đều cho rằng, cần chủ động ứng phó khủng hoảng khi bị tấn công dữ liệu; xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin an ninh mạng; tạo dựng liên minh ứng phó tấn công mạng…
Trung tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho biết: Công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống, người dùng càng cung cấp nhiều dữ liệu cá nhân lên không gian mạng. Bên cạnh sự phát triển, các nguy cơ an ninh dữ liệu vẫn tiếp tục tồn tại.
Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi, phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng, dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai. Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định pháp luật...
Trước thực tế trên, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xây dựng Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bước đầu đặt nền móng cho hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chính phủ đang giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng; hạn chế và tiến tới khắc phục tình trạng dữ liệu cá nhân đang bị mua bán hiện nay.
Theo ông Lê Quang Hà, Phó giám đốc phụ trách công nghệ Công ty An ninh mạng Viettel, trong 6 tháng đầu năm 2024, hệ thống của công ty An ninh mạng Viettel phát hiện 46 vụ lộ lọt rao bán dữ liệu, 13 triệu bản ghi bị rao bán, 12,3 GB mã nguồn bị lộ lọt, 10 vụ tấn công mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc và 56 tổ chức có dấu hiệu bị tấn công mã hóa dữ liệu...
Theo qdnd.vn
Với những tiện ích, như tích hợp được nhiều thông tin, thay thế nhiều loại giấy tờ, thao tác nhanh chóng, đơn giản, ứng dụng VNeID đang ngày một trở nên gần gũi, thiết yếu với đời sống của người dân. Nhất là, khi Bộ Công an triển khai việc tố giác tin báo về tội phạm qua ứng dụng VNeID thì đây còn trở thành một “kênh” tố giác tội phạm tiện ích.