11/08/2024 10:36
Bộ tem bưu chính “Tem ASEAN” giới thiệu hình ảnh tòa nhà Bưu điện TPHCM, được Bộ TT-TT phát hành ngày 08/8, đúng dịp kỷ niệm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN.
Gồm 01 mẫu tem không tràn lề khuôn khổ 43 x 32 mm, có giá mặt 4.000 đồng, “Tem ASEAN” của Việt Nam có thời hạn cung ứng trên mạng lưới bưu chính kéo dài đến ngày 30/6/2026.
Bộ tem “Tem ASEAN” vừa ra mắt cộng đồng, đã được họa sĩ Nguyễn Du, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post, thiết kế theo phong cách đồ họa với nền xanh da trời - màu của hòa bình ở phía sau, càng làm nổi bật vẻ đẹp của tòa nhà Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh.
Mẫu tem bưu chính "Tem ASEAN" của Việt Nam giới thiệu hình ảnh tòa nhà Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh.
Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố mang tên Bác, được xây dựng trong khoảng các năm 1886 -1891, tọa lạc tại số 02 đường Công xã Paris, phường Bến Nghé, Quận 1. Là công trình kiến trúc có lịch sử hơn 130 năm, tòa nhà Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh mang phong cách phương Tây kết hợp với nét trang trí phương Đông.
Ngoài chức năng là địa điểm giao dịch viễn thông, thư tín, tòa nhà Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn là một điểm nhấn văn hóa của thành phố, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Tổng thể công trình có sắc vàng, được sơn lại năm 2015, là màu gốc của tòa nhà, cũng là màu thương hiệu của Bưu điện Việt Nam.
Bưu thiếp cực đại - Maxicard được Công ty Tem Việt Nam phát hành kèm theo bộ tem "Tem ASEAN".
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, Ban Tem bưu chính của Vietnam Post cho biết, “Tem ASEAN” mới được phát hành là bộ tem thứ ba trong đề án phát hành tem chung ASEAN được bưu chính các nước thành viên thông qua tại hội nghị ASEANPOST lần thứ 22 diễn ra tháng 11/2015 ở Malaysia. Bên cạnh việc có chung chủ đề, các bộ tem thuộc chuỗi tem chung ASEAN còn đều có in mẫu logo chung. Đây là mẫu logo của họa sĩ Việt Nam đã giành giải cao nhất cuộc thi thiết kế logo sử dụng chung trên tem ASEAN, được tổ chức năm 2016.
Trước đó, trong 02 năm 2017 và 2019, bưu chính các nước ASEAN đã phát hành 02 bộ tem chung với các chủ đề “Quốc hoa” và “Trang phục dân tộc”. Trong 02 lần phát hành tem chung ASEAN này, Việt Nam đã lựa chọn giới thiệu hoa sen và trang phục áo dài truyền thống.
“Tem ASEAN” phát hành năm nay cũng ghi dấu lần thứ 05 các nước trong khu vực ASEAN phát hành tem bưu chính chung. Bên cạnh 03 bộ tem có chung chủ đề và dùng cùng 01 mẫu logo trên tem, bưu chính các nước thành viên ASEAN trước đó cũng đã phát hành 02 bộ tem chung khác.
Cụ thể, bộ đầu tiên là “Tem phát hành chung ASEAN”, được phát hành ngày 08/8/2007, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN, gồm 10 mẫu thể hiện các công trình kiến trúc tiêu biểu của 10 nước trong khu vực, đó là: Tòa nhà Ban thư ký, Brunei Darussalam; Bảo tàng Quốc gia Campuchia; Bảo tàng Pha-ta-hila Jakarta, Indonesia; Nhà ở đặc trưng, Lào; Tòa nhà Trụ sở đường sắt Kuala Lumpur, Malaysia; Nhà Bưu điện Y-ăng-gun, Myanmar; Cung Ma-la-ca-nhăng, Philippines; Bảo tàng Quốc gia Singapore; Lâu đài Vi-man-mếch, Thái Lan; Phủ Chủ tịch Hà Nội, Việt Nam. Ngoài 10 mẫu tem theo tờ, bưu chính các nước ASEAN còn phát hành khối 10 tem thể hiện sự thống nhất, tính cộng đồng.
Bộ tem phát hành chung đầu tiên của các nước ASEAN ra mắt ngày 08/8/2007.
Tiếp đó, vào tháng 8/2015, các nước thành viên ASEAN phát hành bộ tem bưu chính chung thứ hai chủ đề “Chào mừng Cộng đồng ASEAN”, gồm 01 mẫu tem vuông tràn lề khuôn khổ 37 x 37 mm, do họa sĩ Vũ Kim Liên của Việt Nam thiết kế.
Để phát hành bộ tem “Chào mừng Cộng đồng ASEAN”, từ đầu năm 2015, các nước ASEAN đã đồng thuận tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu tem và thiết kế mẫu dấu, từ đó chọn ra mẫu thiết kế tốt nhất sử dụng phát hành bộ tem chung. Kết quả, Ban Thư ký ASEAN đã chọn mẫu thiết kế tem và dấu kỷ niệm của họa sĩ Việt Nam. Trên cơ sở tác phẩm đoạt giải, Ban giám khảo đã góp ý, chỉnh sửa và gửi tới tất cả các nước ASEAN phục vụ cho việc in ấn, phát hành tại mỗi quốc gia.
Theo vietnamnet.vn
Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam" đặt mục tiêu 80% công nghệ, giải pháp quản lý, quy trình kỹ thuật đóng góp giảm thiểu khí nhà kính so với mức phát thải cơ sở trong lĩnh vực áp dụng.